Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Truyện ngắn NGÀY HẠNH PHÚC


Truyện ngắn
NGÀY HẠNH PHÚC
------------

         Chị Hai ngoái đầu nhìn về xa xa, nơi có đám tiệc linh đình. Xa vậy mà dường như chị vẫn nghe được tiếng nhạc thánh ca; tiếng người ta cụng ly chúc mừng kêu cái cạch; tiếng nói cười rôm rả của nhiều người…Giờ này chắc ba má, anh Hai đang ngập tràn hạnh phúc trong ngày lễ Tạ Ơn Tân Linh Mục của chú Út, chị cố nghĩ thế. Không muốn khóc mà sao nước mắt chị lại rơi. Dù sao chị đã xem nơi đó là nhà, là gia đình, là cha mẹ, là nghĩa vợ tình chồng kể từ cái ngày chị bước sang ngang mà không biết mặt chồng mình ra sao. Nhà nghèo, đông con, cha lại sáng xỉn chiều xay, mẹ chị đành gả chị cho nhà khá giả, đặng có chút ít vốn mà làm ăn sinh sống, nuôi mấy đứa em chị. Chính nơi đó, chị đã có những ngày chung sống với một người điên mà chị gọi là chồng. Anh Hai, chồng chị còn không biết tự chăm sóc cho bản thân, thì làm sao có thể chăm lo cho chị. Dù không có tình với chồng, nhưng gần mười năm chung sống chị cũng có cái nghĩa. Nhưng một khi bản năng làm mẹ của người phụ nữ trỗi dậy, chị không thể tiếp tục cứ sống như vậy mãi, dù chị đã cố chịu đựng gần mười năm trường. Là thân phận phụ nữ thấp hèn, nhưng chị cũng có quyền được làm một người đàn bà như bao phụ nữ khác. Chị cũng có quyền yêu, được yêu, có quyền được làm vợ, làm mẹ. Những thứ ấy tưởng như dễ mà bất kỳ một phụ nữ nào cũng có được, nhưng với chị là cả một nỗi khát khao tràn trề. Nếu chồng chị không thể cho chị được những thứ ấy, chị có quyền đi tìm một hạnh phúc khác không? Nghĩ đến đó chị lại khóc, khóc nấc nghẹn ngào.

-        Khóc làm chi dữ vậy. Em theo qua, khổ thì cũng có nhưng còn hơn bao nhiêu năm nay em sống với một thằng điên. – Người đàn ông đang khua mái chèo lên tiếng.

Chị Hai không trả lời câu nào, tiếp tục khóc…Nếu khóc mà thay đổi được thực tại, chắc ai cũng khóc được như chị. Chiếc ghe cứ vậy mà trôi theo con nước. Chẳng biết bỏ anh Hai theo người đàn ông xa lạ này rày đây mai đó nuôi vịt chạy đồng, không biết rồi cuộc đời chị sẽ ra sao? Nhưng đâu đó chị vẫn tin rằng, người đàn ông xa lạ này sẽ cho chị biết được thế nào là yêu và thế nào là một người đàn bà đúng nghĩa.

***

-        Ông ơi! dậy sớm đặng còn chuẩn bị cơm nước. Trưa nay thằng Út với các cha, các thầy về tới rồi. - Bà Tư Lành tỉnh giấc, rồi quay qua lay chồng dậy.
-        Còn sớm mà bà! Gà còn chưa gáy, bà cứ vội làm chi, ngủ thêm một chút.

Nói vậy chứ cả đêm ông cũng có ngủ được đâu. Ông vui vì con ông đi tu bao nhiêu năm nay cũng đến ngày vinh quy bái tổ, ngủ gì được nữa mà cố nằm lì. Ông lồm cồm bò dậy, ra chái bếp rửa vội cái mặt rồi vô nhà phụ vợ nấu nước pha trà. Bà Tư Lành nói:

-        Ông à, tôi vừa mừng vừa lo, không biết Thánh Lễ Tạ Ơn thế nào, có bao nhiêu cha tham dự để còn biết đường đón tiếp. Rồi khách khứa, mình mời không biết họ có đi hay không? Bữa lễ chịu chức của con, thì các cha tổ chức mình cũng ít lo. Nay con về quê tạ ơn, thiếu thốn trăm thứ, lỡ làm các cha phật lòng thì chết.
-        Bà cứ lo xa! Chúa vẫn ban ơn cho gia đình ta đấy thôi. Mọi sự cứ trao phó cho bàn tay quan phòng của Chúa, chứ biết sao giờ bà!  -Nói với vợ như vậy chứ lòng ông cũng như tơ vò trăm mối.

Xa xa tiếng gà gáy sớm, báo hiệu một ngày mới đã đến. Chắc hẳn hôm nay là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của ông bà.

***
        Ông Tư Lành đi lính Việt Nam Cộng Hòa, nghe đâu cũng có cấp có bậc gì đó. Ba mươi tháng tư người ta chạy vượt biên hết. Ông cũng chạy, mà cái chận bị cụt, chạy sao kịp. Thế là bị bắt, lại còn bị đi “cải tạo” mười mấy năm. Sau khi được trả tự do, ông làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Gặp bà Tư trong một dịp tình cờ, đi lễ, ông thấy một nữ tu áo trắng tinh tuyền làm lòng say đắm, nhưng không dám nói. Rồi làm như duyên trời định, nữ tu ấy bệnh tật triền miên. Nhiều người cứ nói đùa: “Xơ không được Chúa gọi, về lấy chồng chắc khỏe lại!” Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, xơ quyết bỏ áo dòng ra về trong sự tiếc nuối. Gặp lại ông Tư, thôi thì cả hai cùng dang dở cuộc đời, đến với nhau như duyên trời định, về ở chung nhà khi cả hai đã ngoài tứ tuần.

***

        Miệng đời ác nhơn đồn đoán mấy người tu xuất thường bị Chúa phạt. Số là vì hai ông bà sanh thằng con trai đầu lòng, đâu được vài tháng thì bị sốt bại liệt. Ông bà cầu xin Chúa khóc hết cả nước mắt, may sao thằng bé không bị liệt, nhưng lại không đủ trí khôn như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rồi cũng hạnh phúc cho cả hai khi bà tiếp tục sanh được thằng thứ hai khôi ngô tuấn tú. Thì Chúa cũng bù lại cho vợ chồng ta đứa khác thông minh lanh lợi. Ông bà tự an ủi nhau như thế.

        Vì là người đã sống đời tu nhiều năm, nên nếp sống nhà tu phần nào cũng ảnh hưởng trên cuộc sống của bà Tư. Làm gì thì làm, mọi thành viên trong gia đình sáng nào cũng phải đi dâng lễ, còn tối thì cùng quây quần đọc kinh. Mà cũng tốt, nhờ có cái nếp đạo đức của ba mẹ mà hai thằng con trai khôn lớn ngoan hiền. Thằng Hai tuy đầu óc không đủ khôn nhưng cũng không quậy phá. Suốt ngay nó ngoài ruộng chăn vịt, rồi câu cá, nuôi heo…da đen như cột nhà cháy, chân tay nẻ nứt tóe máu, đầu tóc vàng hoe, bệt lại vì bùn đất. Thằng Út thì thông minh sáng dạ. Rồi cũng nhờ nếp đạo đức của ba mẹ để lại nên nó đã chọn cho mình đời sống dâng hiến. Nó nói:

-        Con sẽ thay má dâng mình để phụng sự Chúa.

Tưởng nó nói chơi, ai dè xong lớp mười hai thằng Út bỏ nhà đi tu thiệt. Nó đi rồi, ông bà ngày đêm nhớ mong. Nhưng ý con đã quyết, ông bà cũng chỉ biết cầu nguyện cho con. Nhất là bà Tư, cứ lẩm bẩm với chồng, xin Chúa ban cho con có ơn bền đỗ, đừng như tôi ngày xưa, khổ lắm.
Thằng Út đi tu mà cũng nặng lòng. Nó nghĩ bao nhiêu cái giỏi, cái tốt mình lấy của anh Hai hết, giờ đi tu thì ai phụng dưỡng ba má. Giờ ba má còn khỏe, còn làm việc rồi tự lo cho bản thân được, mai này già yếu, anh Hai thì khờ khạo, không biết ai dưỡng nuôi, chăm sóc. Nhiều lần thằng Út muốn rời bỏ đời tu để trở về phụng dưỡng cha mẹ, nhưng nghĩ đến cuộc đời đi tu dang dở của mẹ khi xưa, bị bao nhiêu người chê cười, mỉa mai, nên nó lại thôi. Thì báo hiếu cho cha mẹ cũng có nhiều cách mà, đâu nhất thiết là phải ở nhà bê trà rót nước. Chỉ cần mình trung thành với Chúa, đi tu cho trọn đã là cách báo hiếu trọn vẹn cho cha mẹ rồi. Thế là nó quyết tâm tu tập cho đến cùng.

***

        Thằng Hai cũng đến tuổi lấy vợ, nhưng vì trí khôn không đủ nên chẳng có ai dám gả con gái cho, dù rằng ông bà cũng có của ăn của để. Nghĩ bụng thằng Út đi tu làm gì có con cái, thôi tìm người mai mối cưới vợ cho thằng Hai, để vợ chồng mình còn có cháu nối dõi, chứ tôi với bà cũng gần đất xa trời rồi. Ông Tư bàn với vợ như thế. Bà Tư Lành mừng thầm trong bụng. Thật bà cũng muốn có cháu bồng ẵm, chứ nhà chỉ có hai ông bà thì buồn chết. Mà lỡ Chúa gọi theo ông theo bà thì ai chăm lo cho thằng Hai, rồi mồ mả tổ tiên. Cưới cho thằng Hai con vợ đặng vợ chồng mình có người chăm nuôi về già, rồi sau này tụi nó sinh con đẻ cái, gia đình cũng đông vui. Nghĩ đến đó thôi bà Tư đã tự cười thầm, rồi tặc lưỡi: Xin Chúa chúc lành cho gia đình con! Xin Mẹ Ma-ri-a ban phước cho con tìm được đứa con dâu ngoan hiền.

Thế rồi hai ông bà tìm người mai mối cho thằng Hai. Mà thiệt tình ai ngờ, cái thằng chẳng thật tính người như thằng Hai thế mà cũng có người ưng. Nghe nói con bé ở tận Tây Ninh, cũng con nhà có đạo tử tế, đàng hoàng, nhưng lại nghèo. Bên bển vừa đánh tiếng đồng ý là ông bà qua rước dâu liền. Dù rằng với luật Chúa thì hôn nhân với người thiểu năng như thằng Hai thì không thành. Ông bà cứ tặc lưỡi, thôi kệ, Chúa nhân từ, Chúa giàu lòng thương xót mà!

***

Vợ chồng thằng Hai chung sống với nhau ngót gần chục năm mà chẳng có con. Nhiều lần thấy ba mẹ chồng cứ ôm hôn hít mấy đứa con nít trong xóm, chị Hai đượm buồn. Mỗi lần như thế chị lại bỏ ra sau nhà, ngồi thẩn thơ với đàn vịt, rồi lại cho heo ăn. Nhìn con heo nái có hai hàng vú căng tràn sữa đang nằm ển cái bụng ra cho đàn con bú mà chị rơi nước mắt. Cũng chẳng biết tại sao lại khóc nữa, chỉ là thấy con heo vậy mà sướng, mỗi năm đẻ hai ba lứa. Còn chị về đây đã mười năm mà ngực vẫn còn son. Đàn bà mà, khi cơn thèm khát tình yêu và cái bản năng làm mẹ trỗi dậy, nó mãnh liệt đến dường nào. Nhiều đêm nằm kề bên chồng ngủ say như một đứa trẻ, nghe tiếng ngáy o o mà lòng chị tan nát. Vừa giận lại vừa thương. Có đêm chịu không nổi chị nhảy xuống sông sau nhà, bơi miết đến khi mệt nhoài thì lên. Giữa đêm, người ướt mèm như chuột, chị cứ đứng bên bờ sông mà khóc. Khóc đã rồi lại vô thay đồ đi ngủ…  Đành chịu vậy thôi chứ biết sao bây giờ?

Mấy bữa nay có chú Ròm nuôi vịt chạy đồng cắm lều phía sau nhà, chị Hai thường ra nói chuyện làm quen, rồi đi lượm trứng. Thấy chị Hai đen đủi nhưng có duyên, chú Ròm ghẹo ngang:

- Trứng thì nhiều, mà không biết có cồ hay không? Phải em lấy người như qua là có cồ rồi. – Nói vừa dứt câu chú Ròm đã cười trâng tráo thích thú.

Chị Hai đỏ mặt mày, bỏ lại cái rọ trứng rồi lủi thủi trở vô nhà, không trả lời câu nào.

***
Chú Út đi tu hơn chục năm nay, cũng thỉnh thoảng về nhà. Lúc nào cũng thấy chị Hai lủi thủi nhà sau, nghĩ cũng tội. Hai chị em không nói chuyện nhiều, nhưng qua ánh mắt, chú Út phần nào hiểu được nỗi niềm của chị dâu. Có lần chú nói nếu chị thấy không ổn thì cứ đi, đàng nào thì cuộc hôn nhân giữa chị và anh Hai cũng không thành. Chắc ba má tui không đòi lại của hồi môn đâu. Những khi như thế chị Hai chỉ nín thinh, rồi lại lủi thủi ra sau nhà nấu cơm. Chị nghĩ, ba má cũng thương mình như con ruột, mình đi sao đặng!

Tối hôm chú Út về để sáng hôm sau dâng lễ Tạ Ơn Tân Linh Mục, đợi mọi người đi ngủ hết, chị Hai lân la lên nhà trên. Ngó vào phòng không thấy chú Út đâu, chị ra sân trước thấy chú đang lang thang ngoài hiên, tay cầm tràng hạt, không ngần ngại, chị lại gần nói nhỏ:

-        Chú Út! Tui có chuyện muốn nói với chú.
-        Chị Hai chưa ngủ sao? Có chuyện gì chi? – Chú Út ngạc nhiên hỏi lại chị dâu.
-        Chú biết tôi về làm dâu nhà này đã gần chục năm nay mà chưa có con. Chú cũng thừa biết anh chú không có khả năng làm chồng. Mà ba má thì cứ la rầy ảnh riết, cho đi khám bệnh, rồi uống đủ thứ thuốc. Nhưng cái việc vợ chồng anh hai còn không thể, thì làm sao có con với cái. Ba má tuy không la rầy gì nhưng cứ nhìn cái cách sống mong mỏi của ông bà cũng biết ông bà chờ mong có cháu ẵm bồng đến mức nào. Bữa con chó nó đẻ, má nói như đùa: “Con chó mình nuôi có hai năm mà đẻ được hai lứa, mỗi lứa cũng năm sáu con. Không biết chừng nào tui mới có cháu đây.” Vẫn biết má không có ý gì nhưng những lời của má cứ như dao cắt mãi vào vết thương lòng của tui. Chú hiểu không?
-        Vậy chị Hai tính sao?
-        Nếu chú thương ba má,…nếu chú không muốn ba má phải tuyệt tự tuyệt tôn … thì… xin chú thay anh Hai,… cho tôi một lần làm vợ, để một lần làm mẹ và một lần được yêu như trăm ngàn người đàn bà khác, và để ba má có cháu nối dõi. - Nói chưa dứt lời chị đã lau nước mắt, rồi cúi gầm mặt, hai tay ve hai vạt áo.

Chú Út đứng chết trân không nói được lời nào trước lời đề nghị bất ngờ của chị dâu. Rồi lặng lẽ bước đi, tay tiếp tục lần hạt. Bỗng một suy nghĩ chợt đến trong tâm trí, và rồi viễn cảnh tương lai cô đơn buồn tủi, không người chăm sóc dưỡng nuôi của ba má khi về già, như cố tình ùa về trong suy nghĩ của chú như những ngày đầu đi bỏ nhà đi tu. Bao nhiêu năm đi tu, chú luôn ray rứt vì thiếu trách nhiệm với ba má và anh Hai. Hay là…cho ba má một đứa cháu? – Một ý nghĩ điên rồ lao tới trong tâm trí. Chú bấm mạnh hai ngón tay, làm dây tràng hạt đứt ngang, hạt bay tung tóe ra sân. Bất chợt chị dâu từ phía sau, nắm tay chú rồi ép vào ngực mình. Chú Út quay lại, ôm ghì lấy chị đẩy vào vách tường, hai tay ôm chặt toàn thân chị Hai. Tim đập loạn nhịp, chú run cầm cập, mồ hôi toát ra như tắm…môi vừa chạm lên má chị dâu, chú nhận ra những giọt nước mắt nóng ấm, bất chợt chú choàng dậy, rồi chay về phía bóng đêm mịt mù.

-        Không! Không…Tôi không thể…

Nghe ngoài hiên có tiếng động, bà Tư Lành trong nhà cất tiếng:

-        Đứa nào ngoài đẳng đó bay? Không lo đi ngủ sớm, đặng mai có sức dâng lễ tạ ơn, rồi còn tiếp khách khứa bà con họ hàng nữa chớ.
-        Dạ, con đang cho mấy con bò ăn, xong con đi ngủ liền mà má. – Chị Hai vừa trả lời mẹ chồng, tay vừa chỉnh lại cái cúc áo, rồi đi thẳng xuống nhà sau.

***

Sáng hôm sau, thánh lễ Tạ ơn Tân Linh Mục diễn ra trong bầu khí sốt sắng. Nhiều người còn ghen tị với ông bà Tư Lành. Nói số ông bà coi vậy mà sướng, tuy thằng Hai hơi khờ một chút, nhưng lại có thằng Út được làm cha, lại còn có con dâu ngoan hiền, chẳng mấy chốc có cháu bồng cháu ẵm. Còn ai hạnh phúc bằng. Ông bà nghe người ta khen thế cứ tũm tĩm cười miết.
Khách khứa còn đang ăn uống chúc mừng, bỗng anh Hai la làng:

-        Má ơi má, vợ con đâu rồi?
-        Thì chắc nó chạy đâu đó lo tiệc, bay đi tìm chứ nói má làm chi. – Bà Tư đang tiếp khách quay qua nói với con.
-        Nhưng con kiếm sáng giờ có thấy vợ con đâu? Con không biết, má kiếm vợ cho con.

Nói chưa dứt lời anh Hai đã khóc bù lu bù loa, đòi vợ. Sợ mất mặt khách khứa, bà Tư lao tới định kéo thằng Hai vào nhà trong. Nó quyết dùng dằng không chịu theo, cứ đòi vợ cho bằng được. Khách khứa láo nháo nhìn trước sau như muốn tìm vợ phụ cho thằng Hai. Bà Tư nói đổng:
-        Mấy đứa nhỏ ra sau nhà tìm cô Hai cái coi.
Vừa nghe thế, thằng cu Tửng lên tiếng:
-        Dạ thưa bà, con thấy cô Hai đi từ sớm mơ rồi. Cô đội cái nón lá, cặp cái giỏ tụng đi theo chú Ròm hổm rày nuôi vịt chạy đồng đàng sau nhà bà đó. Sáng nay nước lớn, chú Ròm chèo ghe đi với cô Hai rồi bà ơi.
-        Thiệt không bay? – Bà Tư còn chưa tin hỏi lại.
-        Thiệt mà, không tin bà hỏi con Út Méng đó, nó cũng thấy mà.

Bà Tư chưa kịp phản ứng gì thì nhiều người ngồi ăn tiệc gần đó đã lên tiếng:
-        Mèng đéc ơi! Tao nghi hổm rày rồi. Thấy con Hai nó cứ ra lớ ngớ với thằng cha Ròm là tao nghi rồi. Đúng là cái đôi gian phu dâm phụ. Đồ cái thứ đàn bà lăng loàn trắc nết.
-        Mà con Hai nó đi cũng đúng thôi. Đời nào nó chịu sống với thằng khùng khùng điên điên như thằng Hai. Tui thấy nó chịu lấy thằng Hai chỉ vì mấy mẫu ruộng của ông bà Tư Lành thôi chứ yêu thương gì – Giọng một người đàn bà khác nói theo.

Nghe thế, cả đám tiệc nhốn nháo, bàn tán. Ông Tư Lành chẳng nói chẳng rằng bỏ xuống sau nhà. Bà Tư ngồi bệt xuống nền, mấy người ở gần thấy thế đỡ dậy đưa vào nhà trong, để lại một mình Tân Linh Mục tiếp tục tiếp khách. Còn anh Hai thì la hét, khóc bù lu đòi vợ. Tiếng nhạc ca múa bắt đầu lớn dần, át cả tiếng la hét của anh Hai.
Ông trưởng hội đồng mục vụ lên sân khấu, cầm mic nói to:

-        Hôm nay là ngày hạnh phúc không chỉ của gia đình ông bà cố Tư Lành, mà của họ đạo chúng ta nữa. Nào chúng ta cùng chúc mừng. 1.2.3 dzô…dzô! Và bây giờ, liên tục chương trình là ca khúc: Bao La Tình Chúa…hồng ân Chúa như mưa như mưa…

Bữa tiệc đó chú Út uống thật say. Say như chưa bao giờ được say. Say vì hôm nay là ngày hạnh phúc, với thiên chức Linh mục Chúa ban. Say là vì đã cho ba má có được cái vinh dự được làm ông bà cố, được hãnh diện nở mày nở mặt với người đời. Nhưng có lẽ say vì điều gì thì chỉ có chú mới là người biết rõ mà thôi…
Bên ngoài gió xào xạc.

***

Chiều dần buông, khách khứa đã về hết. Ngày hạnh phúc dần tàn bỏ lại chú Út say mèm nằm trên ván, bỏ lại ông Tư ngồi như tượng nhìn về phía bờ sông, bỏ lại bà Tư Lành nằm trên võng, mấy đứa nhỏ hàng xóm đang bóp dầu… Ngoài hiên anh Hai khóc ấm ức đòi vợ: Má trả vợ cho con! Sau nhà, tiếng vịt kêu, chó sủa, bầy heo đói hú hét inh ỏi…

-        A ! Cô Hai về! –thằng cu Tửng cất tiếng khi thấy chị Hai xuất hiện ngay cửa nhà.

Bà Tư bật người ngồi dậy. Bóng dáng một phụ nữ người ướt mèn, đầu tóc tả tơi đứng ngay trước cửa. Bà còn chưa kịp định thần, đứa con dâu lao đến bên võng, ôm mẹ chồng vừa khóc vừa nói:
-        Má! Má ơi, con khổ quá má ơi… Nhưng con sai rồi… con xin lỗi má…Con nhảy ghe, bơi vào bờ về đây với ba má, với anh Hai. Con đi không đặng má ơi.
-        Phận là đàn bà mà hiểu mà con. Má hiểu nổi khổ mà con đã chịu bao nhiêu năm nay vì phải sống với một người chồng điên. Nhưng cũng vì cái tình cái nghĩa, vì sợ ba má mất mặt vì là ông bà cố, mà con đã ở đây với ba má suốt ngần ấy năm. Vì thế má thương con còn hơn thằng Hai. Má cũng mong mỏi con có con có cái lắm chứ, để ba má được hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng như thế là má quá ích kỷ và bất công với con. Thằng Hai con má sinh ra, sao má lại không hiểu nó cho được. Gia đình mình được Chúa ban cho như vậy là hạnh phúc lắm rồi. Mình đòi hỏi Chúa phải ban ơn nhiều quá. Má cũng có lỗi nhiều. Má xin lỗi con, con về là má vui rồi - Nói chưa dứt câu hai mẹ con ôm nhau mà khóc.

***
       
        Đêm nay trăng tròn căng mọng treo đầu ngọn cây, ánh sáng phản chiếu trên sông lấp lánh. Cả gia đình ông bà Tư Lành quây quần bên nhau. Chẳng nhiều lời náo nhiệt nhưng trong lòng mỗi người ăm ắp một thứ tình cảm khó diễn tả bằng lời. Đấy, người ta gọi cái cảm giác khó tả như thế là hạnh phúc. Đơn giản thế thôi!
-        Bà Tư ơi, con heo mẹ lại đẻ nữa rồi! – Tiếng thằng cu Tửng vang lên.

Nghe thế, chị Hai lật đật bỏ dở chén cơm định chạy xuống, bà Tư cầm tay con dâu nói:
-        Thôi kệ nó con! Cơm nước xong, gia đình mình đọc kinh tạ ơn Chúa cái đã, xong rồi làm gì thì làm. Tất cả những gì chúng ta đang có không phải là ơn Chúa đấy sao. Lo làm chi con? Ngày nào có cái khổ của ngày đó, cứ phó thác cho Chúa. Hôm nay là ngày hạnh phúc của gia đình ta, hãy sống cho trọn ngày hôm nay cái đã, mọi chuyện mai rồi hãy tính.

Bên ngoài, trăng đã lên cao, sáng cả một vùng quê… Trong căn nhà lập lòe ánh sáng đó, nghe có cả tiếng cười…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS