Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Truyện ngắn CŨNG CÓ MỘT ĐỜI NGƯỜI NHƯ THẾ


Truyện ngắn

     
CŨNG CÓ MỘT ĐỜI NGƯỜI NHƯ THẾ
--------------------------

Đen thui, cao, chân mày rậm, phong trần, nụ cười có duyên, vì thế mà đám con gái trong xứ cứ nhao nhao mỗi khi hắn xuất hiện. Chẳng thèm quan tâm, hắn cứ vờn tụi con gái như thể mèo vờn chuột. Hết đứa này đến đứa kia. Số đào hoa, tán vừa đổ cô này lại chuyển qua tán cô khác. Thật không hổ danh là “sát thủ cua gái” mà đám bạn dành cho hắn.

***

Đang vui giữa chừng, hắn lấy vợ. Cả đám con gái cụt hứng, cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ. Thế nhưng người đời nói chẳng sai “nồi nào vung đấy”. Vợ hắn cũng chẳng vừa, nay cặp với thằng sinh viên này, mốt lại ăn nằm với ông đại gia nọ, dân bắc mới vào, dữ dằn, chua ngoa. Cũng chẳng hiểu tại sao hắn lại cưới một cô gái như thế.
Thì ai mà biết được vì sao hắn lại lấy vợ đang khi rong chơi, nghề ngỗng chưa ra gì. Mới cặp kè với nhau chưa được bao lâu mà cái bụng đã chình ình. Cha mẹ hắn vào năn nỉ khóc lóc với cha xứ, làm sao giấu được cái bụng bầu cho đỡ quê, đỡ nhục với hàng xóm láng giềng: Dù sao con cũng làm trong ban hành giáo cha ơi! Nể tình, cha xứ cho học giáo lý gấp, cưới gấp...trước khi người ta kịp phát hiện ra cái bụng bầu.

***

Về ở với nhau chưa được nửa năm, vợ đã sinh con. Nhưng dường như đứa con chỉ là một gắn nặng với cả hai. Vốn đang rong chơi, cũng chẳng nghề ngỗng gì, giờ lỡ dại phải cưới gấp, mấy tháng sau một thằng bé ra đời...trách nhiệm nặng nề, hắn chán. Chán vợ, chán con, chán chính bản thân, chán đời...Hắn lại chứng nào tật ấy, nhậu nhẹt, gái gú, cờ bạc... Chán đến nổi ngày nào không cãi nhau với vợ ngày đó hắn không yên. Vợ chồng lục đục mãi. Nhiều lần vợ ôm con ra phòng trọ ở. Dăm ba bữa, hắn lại đón về, rồi lại cãi, lại dọn đi.
Cuối cùng, phải nhờ đến cha xứ, vợ chồng lại về ở lại với nhau. Chịu đựng nhau mà sống...

***

Sinh con xong, vợ bắt đầu mập mạp thấy rõ. Mình hạc xương mai không còn, thay vào đó là thân xác của một phụ nữ sồ sề, béo tròn. Ngày ngày bế con lân la nhiều chuyện với mấy bà hàng xóm làm hắn phát chán lên được. Cái tánh trăng hoa lại đến như khi chưa có vợ, hắn tiếp tục tán gái, chơi gái...còn thường xuyên hơn khi chưa lấy vợ.
Cứ mỗi lần như thế, vợ hắn cùng mấy bà trong xóm đến tận ổ mà đánh ghen, xé quần, xé áo...Có khi cắt tóc, rạch mặt...

Vậy mà hắn vẫn chứng nào tật ấy.

***

Bữa đã nhậu ngà ngà say, đám bạn khích: Tao thấy số mày đào hoa, cua đứa nào dính đứa đó, ăn nằm, phá trinh biết bao nhiêu đứa con gái.
-        Tao thách mà cua đổ bà xơ trong xứ, cỡ nào tao cũng chung hết.
-        Ghê mày, tội chết – hắn trả lời.
-        Ha ha...thằng này mà cũng biết sợ tội nửa hả? Có tội thì vô cha mà xưng, cha tha hết, sợ gì? Đồ chết nhát...

Hắn ầm ừ...chơi luôn!

***

Thế là bắt đầu kế hoạch cua bà xơ. Hắn tìm đủ mọi cách để tiếp cận. Nhưng thật khó, bởi xơ ngày ngày dâng lễ, hoặc xong giờ dạy giáo lý thì quay trở về Dòng, chứ không bao giờ xuất hiện bên ngoài như bao cô gái khác để mà hắn có cơ hội trêu hoa ghẹo nguyệt.
Có lần hắn chặn đầu xơ ngay cuối nhà thờ. Chỉ hỏi han, thưa gửi, tội trọng là tội nào xơ ơi? Con đi lễ trễ có tội không? Hỏi vậy thôi chứ hắn có bao giờ đi lễ đâu mà sớm với chẳng muộn...

Nhưng hắn phát hiện ra một điều, mỗi khi đứng trước một nữ tu thánh thiện, thì những âm mưu ác ý dường như không còn. Hắn bắt đầu thay đổi. Một tình cảm lạ lắm trong hắn chợt dậy lên sau những lần gặp gỡ, dù chỉ là vài câu nói chóng qua. Hắn cảm thấy nể phục người con gái này. Ở người nữ tu này có những thứ mà những người đàn bà đi qua đời hắn không có. Sự trong trắng. Một sức hút hay ma lực nào đó khiến hắn rối bời, luôn nghĩ về người con gái, trong bộ tu phục trắng tinh ngày ngày đi dâng lễ, rồi vỗ về các em thiếu nhi. Đôi lúc hắn cảm thấy tội lỗi và bỏ ý định đen tối mà đám bạn gợi lên cho hắn.
Những ý nghĩ tích cực đã bắt đầu lóe lên trong hắn: Hay là mình chịu thua cuộc...?
       
        ***
       
Từ ngày tiếp xúc với nữ tu nhỏ bé, đơn sơ dịu hiền ấy, hắn bắt đầu so sánh với vợ, rồi hững hờ. Có bữa hắn nói làm người đàn bà thì phải biết giữ chồng, sinh con xong thì cũng phải biết chú ý đến bản thân mình. Tôi không thể ngày ngày ngủ chung với một khối thịt di động như thế; là phụ nữ thì phải dịu hiền chứ không chua ngoa đanh đá; là phụ nữ thì phải biết nhẹ nhàng chứ không thô lỗ cọc cằn...

***

Bữa vừa tan giờ giáo lý, xơ đang dẫn các em ra khỏi phòng học, vừa bước ra cửa, một người đàn bà béo tròn lao tới, túm lấy đầu xơ, lôi chiếc lúp ra khỏi, rồi ném xuống đất.
-        Đồ con đĩ! Mày làm xơ gì mà đi cướp chồng tao.
Mày đi tu mà còn ham hố hả, con kia...tao không nể mày đâu...
Nói xong ả ta bỏ đi.

Đám con nít la ó inh ỏi, chạy toán loạn. Mấy bạn huynh trưởng gần đó chạy lại can ngăn, bắt người đàn bà, giao cho cha xứ...

***

Thì cha xứ cũng xử, rồi cảnh cáo. Gọi vợ chồng và ba mẹ lên nhà xứ xin lỗi. Hai vợ chồng hắn đứng giữa nhà thờ trong một thánh lễ đông đủ, chính thức xin lỗi vì đã xúc phạm nặng nề đến xơ. 
Người nữ tu đứng đó không khóc, cùng với bề trên của mình để nghe những lời xin lỗi hết sức thành tâm của vợ chồng hắn: “Con giận quá mất khôn, xin xơ tha thứ!”

***

Về lại nhà Dòng, đã nhiều đêm người nữ tu ấy không ngủ được, nửa đêm thức giấc khóc thét vì thấy người ta đánh đập mình...
Xơ xin Mẹ bề trên cho nghỉ vài ngày để tĩnh tâm, linh thao rồi cầu nguyện…Nhà Dòng tạo mọi điều kiện thuận lợi để xơ lấy lại bình an trong tâm hồn. Nhưng càng tĩnh tâm, càng thinh lặng bao nhiêu thì nỗi đau đớn lại đè nặng lên tâm hồn người nữ tu ấy bấy nhiêu. Giả như tôi là một người đàn bà như bao người khác, để có thể đánh lại, chửi lại, để minh oan cho chính mình...Giả như tôi có thể chống cự, giả như tôi có thể...

***

Chẳng biết từ khi nào, người nữ tu ấy bắt đầu xuống sức, gầy gò. Nhà dòng cho về nhà vài ngày để nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, chữa bệnh. Nhưng càng nghỉ thì bệnh tình càng nặng. Dường như thời gian không phải là phương thuốc chữa trị hiệu quả những nỗi đau nơi linh hồn như người ta thường nói

Chị em thương tình lại đưa xơ về dòng để chăm sóc, nhưng xơ quyết không về.
-        Con đã làm nhục nhà dòng, con đã mà xấu đi hình ảnh nữ tu trong trắng khiết trinh trong con mắt người đời. Con còn về làm gì nữa...

Ngày khấn lại đến, xơ quyết đinh không viết đơn, với lý do sức khỏe kém, với lý do con bất xứng, với lý do con không còn trong trắng...Dù rằng chị em hết sức khuyên lơn, ngăn cản, nhưng xơ vẫn không thay đổi quyết đinh.

***

Nhận được tin báo, tôi vội vã đến xức dầu cho xơ. Nhìn vào căn phòng, tôi nhận ra một người nữ tu xanh xao, gầy gò, chỉ còn da bọc xương, nằm trên giường bố, cây thánh giá để trên ngực, hai tay ôm chặt, mà xót thương cho thân phận một nữ tu trinh khiết bé nhỏ...
Nằm trên giường, xơ cố ngước mắt nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài có gió nhẹ, đủ để làm những chiếc lá rơi rụng! Mưa lất phất! Rồi xơ thì thầm nhẹ như gió: Xin đừng lên án người ta, vì họ không biết việc họ làm…

Và rồi người nữ tu ấy đã nhắm mắt ra đi mãi mãi.

Tôi đứng đó, chết đứng.
Bên ngoài mưa mỗi lúc một nặng hạt. Dường như trời đang khóc để tiễn đưa linh hồn một trinh nữ về thiên đàng.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Truyện ngắn NGÔI NHÀ MỚI CỦA BA MÁ


Truyện ngắn

NGÔI NHÀ MỚI CỦA BA MÁ
--------------------------------------------------------

        Nhà tôi nghèo.

Chỉ có một cái buồng nhỏ cho má ngủ. Nhà trên thì mỗi đêm ba trải chiếu ra ngả lưng. Phía sau là cái bếp củi, mạng nhện bồ hóng đóng đen thui, lụp xụp, ngột ngạt. Chái bếp được chống bằng hai cây tầm vông cũ kỹ, đen xì. Xa xa phía góc vườn là vài bụi chuối hột, cây măng cầu ta ra trái chưa mở mắt, mấy con gà con đang mổ thọc...

        Nơi ấy là cả tuổi thơ tôi. Và cũng từ nơi ấy tôi ra đi.

       
        Đi tu bao nhiêu năm, tôi ít khi về nhà, hoặc nếu có về thì chỉ năm ba phút rồi lại đi. Thỉnh thoảng về thăm ba má, tôi rủ theo mấy anh em chung Dòng về chơi, nhiều khi không có ghế để ngồi, không đủ ly để uống...

Từ ngày xa gia đình, một năm, năm năm, rồi mười năm chưa một lần tôi về nhà để ngủ lại với ba má, dù chỉ là một đêm.

        Năm đó, ba quyết định bán miếng đất chỗ bụi chuối và cây măng cầu để lo cho đứa em gái đi Mỹ, với hy vọng sau này nó có điều kiện lo cho ba má khi về già. Và ước mơ đó của ba má thành hiện thực. Đứa em gái đã định cư luôn bên đó.
       
        Ba má vui hơn sau khi đứa em gái ổn định cuộc sống mới, có gia đình, rồi rước ba má qua bển du lịch một chuyến. Ba má đi biền biệt sáu tháng trời, không tin tức. Nhà lạnh tanh, không bóng người. Mạng nhện bồ hóng cứ vậy mà đua nhau giăng mắc tứ phía. Chái bếp xập xệ, chông chênh. Đàn gà con bị chó cắt chết hết... Nhiều lần tạt về thăm nhà, ngó trước sau không thấy bóng dáng của ba má, lòng bỗng giận ba má. Nghĩ bụng chắc ba má thích sống sang giàu, thích ở bên Mỹ luôn rồi...

        Sáu tháng sau ba má về. Tuần kế tiếp, ba giở nhà cũ, gọi thợ đến xây nhà mới.

        Rồi tôi lại có dịp về thăm nhà. Ngạc nhiên vô cùng khi không còn thấy căn nhà cũ nát nữa, thay vào đó là một ngôi nhà xây mới khang trang. Ba má vui vì có nhà mới, lại càng vui khi có con trai về thăm.

        Trên đường trở về nhà Dòng, lòng bỗng giận ba má kinh khủng. Ba má xây nhà mà không hề hỏi ý kiến của con. Dù sao con cũng là dân chuyên xây dựng. Con giúp cho biết bao nhiêu công trình này nọ ở Dòng... Trách ba sao không hỏi con một tiếng, để đừng chia phòng ra nhiều quá, nhà có ai đâu mà làm nhiều phòng... Trách ba sao làm phòng khách gì mà rộng thênh thang, nhưng lại trống rỗng không có đến một bộ bàn ghế...
       
        Kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ba má, tranh đấu tư tưởng mãi tôi mới quyết định về nhà ngủ một đêm. Đêm đó, tôi trải chiếu ở phòng khách ngủ, sát vách tường phòng của ba má.

        Đang lơ mơ, khó ngủ vì mùi sơn mới, tôi nghe ba thủ thỉ với má: Má mày ơi! Mấy tháng nay ở bên Mỹ, anh ráng đi làm dù có những ngày trời lạnh buốt, thấu đến xương, nhưng anh vẫn cố gắng, anh muốn có tiền để xây lại cái nhà. Má mày cứ trách anh sao xây nhà to thế. Anh xây nhà mới, với nhiều phòng đặng cho con nó về, nó có phòng riêng, có chỗ mà ngủ. Chứ bao nhiêu năm nay nó muốn về mà cũng không có chỗ. Anh làm làm cái phòng khách thật rộng để các thầy, các cha có về thì mình có chỗ mà tiếp...

        Giữa màn đêm dày đặc, nghe những câu thủ thỉ của ba má mà sao nước mắt tôi cứ chảy dài, mặn đắng.

        Ba má ơi! Ba má có biết rằng con không về nhà không phải vì không ba, không nhớ má; con không về càng không phải vì nhà mình nghèo. Con không về vì con sợ rằng nếu ngủ ở nhà một đêm, lỡ may phát hiện mái tóc bạc và những nếp nhăn trên trán ba; lỡ may nhìn thấy má bước thấp bước cao vì tai biến, ráng đẩy cái xe lăn đi nấu cơm cho con; con kìm lòng không nổi. Sợ rằng nhìn thấy ba má, trách nhiệm và bổn phận của một đứa con trai duy nhất trỗi dậy, con lại đổi ý, từ bỏ đời tu mà lỗi hẹn lời khấn hứa trung thành theo Chúa.  

Không phải con không thương ba nhớ má, nhưng chỉ những kẻ đã lỡ ăn cơm nhà Chúa rồi, mới hiểu được câu nói: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!” thấm thía đến mức nào ba má ơi...
       
        Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

       
         

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

Tùy bút MẶC KỆ NGƯỜI TA NÓI GÌ...


Nhiều khi tự hỏi lòng: Có phải mình đi tu là thật lòng muốn theo Chúa hay chỉ là để trả lẽ cho một câu nói bâng quơ nào đó?


Tùy bút
MẶC KỆ NGƯỜI TA NÓI GÌ...


        Còn nhớ như in, ngày đó khi nhận tin được vào nhà tập, nó vui mừng báo cho cha bố hay. Ngài phấn khởi, nói sẽ may tặng nó một chiếc áo dòng làm kỷ niệm.

        Hôm đó là ngày cha bố nó có dịp phải bay ra miền Bắc để giảng tĩnh tâm; cũng gần đến ngày kỷ niệm 45 năm thụ phong linh mục ngài, nên có người tặng cho ngài cái áo lễ mới. Ngài nói con đi với bố, bố may áo lễ, còn con may áo dòng. Tiện thể, xe sẽ chở bố ra sân bay luôn.

Một đại gia có máu mặt ở giáo xứ sẵn sàng chở cha bố và nó đi. Cùng đi với chung có một quý bà đại gia khác.

        Khi đến nơi may áo, nó chưng hửng vì các xơ chỉ may áo lễ, không may áo dòng. Cha bố nói thôi để dịp khác bố may cho con.

        Đang trên đường đưa cha bố ra sân bay, đến ngã tư, bỗng đâu mọi người nghe hô: Cướp! Cướp!... Bất chợt, tên cướp chạy xe honda phóng như bay, lao thẳng vào đầu xe, nghe cái rầm, rồi ngã lăn ra đất...Mọi người tụm lại, bắt tên cướp, giao cho công an. Xe nó cũng bị công an giữ lại, lập biên bản điều tra.

        Ba bốn tiếng đồng hồ trôi qua mà công an vẫn chưa giải quyết xong. Nên cha bố đã đón taxi ra sân bay cho kịp giờ. Mãi hơn bảy giờ tối, mọi người mới được ra về cùng với chiếc xe móp đầu, rớt biển số.

        Đang trên đường về, xe lại bị công an giao thông thổi vì không có biển số. Sau khi trình bày với công an, mọi người được cho đi. Anh tài xế, cũng là con trai của bà đại gia vừa lên xe thì bà nói rõ to: Tại có thằng Phúc đi nên mới xui như vậy! Rồi quay qua nói nhỏ với người bên cạnh nhưng cũng muốn cố tình để nó nghe thấy: Thằng này mà đi tu được tao đi đầu xuống đất!
       
        Sao lúc đó nó muốn bước xuống xe mà không sao dám bước. Tự dưng nghe nghẹn ở cổ họng, không khóc, sao mà nước mắt cứ ở đâu trào ra.

        Kể từ ngày có ý định đi tu, nhiều lần và rất nhiều lần nghe những câu nói tương tự như vị đại gia năm nào:
Thằng đó mà đi tu được tao cùi!
Cái thằng xanh như tàu lá chuối, ốm yếu như con gái. Nó mà tu tác gì được...

Thời gian trôi qua. Năm năm. Rồi mười năm...nó trở thành linh mục.
        Mọi người chào đón nó, vui vẻ, có cả những người từng đã nói những câu không nên cho nó nghe. Nhưng không hiểu sao vừa khi nhìn thấy họ, những lời lẽ năm xưa cứ như vang vọng bên tai. Khiến tim nó đau nhói. Nhiều khi tự nhủ, có phải mình đi tu là thật lòng muốn theo Chúa hay chỉ là để trả lẽ cho một câu nói bâng quơ của ai đó?

        Một năm làm linh mục, biết bao nhiêu người khen cha trẻ, đẹp, giảng hay, tài giỏi...chẳng còn nghe người ta chê bai gì nữa. Thế nhưng, dù được khen hay chê, những điều đó chẳng phải là những thứ tận đáy lòng nó tìm kiếm.

        Lời cha bố vẫn còn văng vẳng bên tai, nghe như còn mới nguyên: Con đi tu là theo Chúa từ phòng tiệc ly đến đồi Gô-gô-tha, theo Chúa chính là đi vác thánh giá, đi chết...Thế nên, mặc kệ những lời khen tiếng chê, mặc kệ những lời dèm pha khinh thường, mặc kệ người ta nói gì... Chỉ xin cho được từ bỏ mọi thứ và sẵn sàng chết đi từng ngày.

        Tạ ơn Chúa vì một năm hồng phúc trong thiên chức linh mục. Tạ ơn Chúa vì tất cả những tài năng và cả những khiếm khuyết con đang mang. Xin cho con tiếp tục từ bỏ và tiếp tục hy sinh để theo Chúa không chỉ là một năm, năm năm, hay mười năm mà theo cả cuộc đời...
        Mặc kệ ai đó nói rằng: Thằng đó đi tu được, tao đi đầu xuống đất...

Lm. Mar- Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Kỷ niệm 1 năm Linh mục 24/11/2017 – 24/11/2018
P/s: Xin cộng đoàn thương cầu nguyện cho con trong ơn gọi, để qua mỗi ngày sống, con luôn biết thay đổi bản thân cho giống với vị mục tử nhân lành mang tên Giê-su.


Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Tùy bút CHIẾC ÁO DÒNG


Tùy bút

CHIẾC ÁO DÒNG

Còn nhớ những ngày đầu mới tập tu, tôi với một anh em đi chợ mua vải may quần áo để vào Dòng. Cô chủ tiệm vải vừa sau một hồi nói chuyện qua lại, mạnh dạn hỏi chúng tôi:
-        Nhìn giống mấy thầy quá, có phải mấy thầy tập tu không?
-        Dạ! mà sao cô biết? - Hai chúng tôi nhìn nhau, rồi ấp úng.
-        Nhìn mấy thầy là biết liền à…
Dĩ nhiên, sau khi xác nhận là thầy tập tu, chúng tôi được giảm giá cách đặc biệt mà không cần phải mặc cả.

Ngày đó, khi mới tu, sao tôi ao ước được mặc Áo Dòng, nhìn nó thật đẹp. Mặc Áo Dòng vào nhìn thánh thiện hẳn ra. Vậy mới ra thầy chứ! Rồi chợt nghĩ: “Giá mà Giáo hội cho phép được mặc Áo Dòng suốt cả ngày như ngày xưa thì hay nhỉ. Vì nhìn cái áo thì ai cũng biết mình là thầy, biết mình là tu sĩ.”

Ấy vậy mà, từ trước đến giờ, có bao giờ tôi mặc Áo Dòng ra đường đâu mà vẫn bị người ta phát hiện ra là thầy tu. Rồi có lần, và nhiều lần như thế, tôi cố tình ăn mặc thật mô đen để xem người ta có nhận ra mình là thầy hay không. Cũng bị phát hiện.
Hỏi mới biết, nhiều người nói rằng nhìn mặt mấy người đi tu biết liền, thì nó khờ khờ…Tôi nghĩ bụng: “Nhìn mặt ngu ngu thì có”…Rồi tự cười với mình.

Bữa nay có dịp đi từ Hà Nội về Sài Gòn, tôi đang xếp hàng để vào cửa hải quan, thì nghe ồn ào phía sau. Tiếng ai đó chào thầy. Bất chợt tôi quay lại. Thì ra người ta chào một thầy, nhưng không phải thầy Dòng mà là thầy Chùa. Nhìn là biết thầy, bởi thầy mặc tu phục áo chùm nâu vàng. Cùng đi với thầy là hai người khác, cũng mặc áo vải nâu. Nhiều người to nhỏ:
-        Thầy trễ giờ thì cứ vô trước.
-        Trời ơi, 4g bay mà bây giờ 4g kém 15 rồi. – giọng một người khác thêm vào.
Nghe thấy thế, thầy và hai người còn lại chui qua hàng rào trước sự ngỡ ngàng của bao người xếp hàng khác. Tôi cũng không thấy khó chịu vì dù sao cũng ưu tiên vì thầy đã trễ giờ. Tôi nghĩ mọi người cũng thế. Thông cảm và ưu tiên cho thầy.

Vì người xếp hàng thì đông, mà thầy lại mang vác ba lô tay xách nách mang nặng nề, nên khi chui qua mấy cái dây hàng rào vướng vào ba lô vô tình làm đứt dây, đổ luôn cái cột. Mọi người né qua một bên để thầy lên trước. Cuối cùng thầy và hai người còn lại cũng đến được trước mặt nhân viên hải quan.
Cô nhân viên hải quan đến và thật bất ngờ cô nói thẳng thừng và đuổi ba người xuống.
-        Trời ơi! Có biết xếp hành không vậy. Ai cũng phải xếp hàng mà. Trễ giờ thì ráng chịu, người ta đã thông báo đúng giờ. Lui xuống, xếp hàng đi…Giọng cô nhân viên hải quan không chút cảm xúc.
Ba người lủi thủi quay về vạch xuất phát trước những ánh mắt ái ngại của biết bao người.

Tôi quan sát sự việc từ đầu đến cuối. Và cảm thầy quê dùm cho thầy. Thấy tội thầy làm sao đó.

Bỗng dưng tôi tự nghĩ: Ừ ha, hên là mình không mặc Áo Dòng. Mình mà mặc Áo Dòng mà bị như vậy chắc quê mà chết mất…
Rồi cười thầm…Làm gì có người quê mà chết bao giờ!

Bỗng thấy chiếc Áo Dòng đẹp hơn bao giờ hết. Nó không phải là trang phục như những quần áo khác. Nó không thể được mặc để đến những nơi công cộng. Khoác lấy Áo Dòng là khoác lấy Đức Ki-tô. Trang trọng vậy đấy! Thế nên làm sao mình lại có thể mặc nó đến những chỗ không xứng hợp cho được?
Tôi nghĩ thế, rồi tự tin kéo va ly qua cổng hải quan…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
(P/s: Bài viết chỉ là một cảm xúc cá nhân trước một sự kiện, không có ý nói xấu hoặc lên án cá nhân hay tập thể nào.)



Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Truyện ngắn BÀ MẸ BẤT HẠNH!


Truyện ngắn


BÀ MẸ BẤT HẠNH!

Bà nằm đó, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp…

Tôi giơ cao Mình Thánh Chúa, rồi hô: Mình Thánh Chúa Ki-tô. Bà ú ớ như đáp lại câu “Amen” mà dường như nên lời. Hai hàng nước mắt chảy trào ra…Bà há miệng rước lấy Chúa như là cứu cánh cho cuộc đời, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng.

Bà ra đi vào một chiều buồn. Trời âm u, rồi mưa. Dường như ông trời đang khóc cho bà, một người mẹ đáng thương.

***

Sinh được sáu đứa con, chồng chết sớm, bà  ở vậy nuôi các con khôn lớn, rồi lo lập thành gia thất cho các con. Thằng Hai lấy vợ Sài gòn rồi về ở rể nhà vợ. Mấy năm sau làm ăn thua lỗ, lại chạy về ở ké nhà bà. Thương tình, bà cắt mấy mét đất để thằng hai có chỗ xây mà mà vợ chồng sinh sống. Cô Ba lấy chồng gần nhà, nhưng chẳng bao giờ về thăm mẹ. Thỉnh thoảng chơi số đề rỗng túi, chủ nợ rượt xất bất xang bang lại chạy về núp bóng mẹ. Năm ba bữa êm chuyện, gom góp chút tiền hưu của mẹ rồi về nhà. Thằng Tư, Thằng Năm…rồi Cậu Út cũng lần lượt lấy vợ. Mà cũng chẳng cưới hỏi gì. Vài đứa con dâu từ trên trời rơi xuống mang theo cái bụng bầu, về nhà bà, rồi sinh con, một tay bà lo. Con lớn chưa đầy tháng, đứa con dâu bỏ nhà, bỏ chồng, bỏ con, bỏ lại bà…Vài thằng lại rước thêm những đứa con dâu khác, lại cho ra đời những đứa cháu, bà lại tiếp tục nuôi, rồi chúng lại tiếp tục ra đi.

***

Rồi các con cũng yên bề gia thất, mảnh đất được chia đều cho sáu anh em. Đứa thì xây nhà, đứa thì bán, để lại cho bà mảnh đất nhỏ với căn nhà cổ xưa…xưa như tuổi của bà.

***

Chẳng may bà bị tai biến mạch máu não. Lần đầu bà còn cố tập vật lý trị liệu, cũng tạm, bước được vài bước, cũng lân la tự nấu cơm, tự ăn, tự tắm giặt... tự một mình bà. Nhưng đến đợt tai biến lần hai, bà đành phó thác cho số phận, nằm liệt giường. Hai thằng con trai xây nhà cao tầng hai bên vách lá nhà bà, thỉnh thoảng động lòng trắc ẩn lại qua thăm, đút cho muỗng cháo, pha cho ly sữa…còn lại, dù liệt giường nhưng bà cũng cố làm những việc cá nhân, mà dường quá sức cho cái thân già.

***

Có lần tôi đến trao Mình Thánh Chúa, nhưng căn phòng bà vẫn tối như bưng, ẩm mốc, bốc mùi khai thối nồng nặc. Mấy cái cúc áo bà mở banh ngực, để lộ những vết lở loét bên trong, tôi nhẹ nhàng cài lại, rồi mới cho bà chịu Mình Thánh.

Cũng có lần tôi dùng quyền chánh xứ, qua nhà hai cậu con trai kế bên đề nghị phải chuẩn bị bàn thờ, rửa mặt mũi cho ba mỗi khi cha cho Rước Mình Thánh. Cậu Hai, cô Ba dạ dạ vâng vâng, đứa con dâu xuất hiện được một bữa rồi đâu lại vào đấy…


***

Hôm cho bà rước Mình Thánh lần cuối, bà ra đi mà hai hàng nước mắt chảy tràn, nhưng tôi lại thấy an lòng. Chẳng biết bà khóc vì còn những uất ức gì nơi tâm hồn, nhưng có lẽ cái chết là một giải thoát cho chính bản thân bà.

***

Mẹ mất, mấy đứa con tụ họp bàn bạc xem ai là người sẽ đứng ra lo đám cho mẹ. Chẳng hiểu chúng bàn với nhau như thế nào mà thằng Út nổi máu điên ném cái bát ăn cơm thẳng vào đầu thằng anh Hai túa máu. Cô con gái chạy ù xuống bếp vác con dao phay rượt thằng Út…Tao giết mày!!!…Thằng Út chốn biệt tăm. Thằng anh Hai được đưa đi cấp cứu.

Sáng hôm sau, thánh lễ đám tang bà chưa bao giờ lặng lẽ đến thế. Không một giọt nước mắt… Không một sự thương tiếc… Không có sự hiện diện của vài đứa con…


***

Ba ngày sau, bàn thờ bà được dẹp bỏ. Cái chòi bà đã từng ở được giở tung. Bên ngoài, một tấm bảng nhỏ được treo lên: Cần bán đất gấp! Xin liên hệ số điện thoại 012…


***

Cuối tháng 10, giáo xứ thông báo mọi gia đình dành thời gian đến nghĩa trang dọn dẹp, làm cỏ, rửa mộ…chuẩn bị ngày lễ cầu cho các đẳng linh hồn. Người người, nhà nhà xin lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ tổ tiên…Có cả Cô Ba, con gái bà, nhét vào tay tôi tờ giấy bạc 100.000 ngàn rùi ú ớ: “Cha cầu nguyện cho mẹ con…linh hồn Ma-ri-a…ấy không phải, linh hồn Tê-rê-sa…hình như không phải, là Anna hay sao đó…Xin lỗi cha con quên mất…”


***

Sáng 2/11, tôi đến nghĩa trang thật sớm, định thắp vài nén nhang cho ông bà. Bất chợt, tôi nhìn thấy mộ bà. Một ngôi mộ mới đắp, còn nguyên mùi bùn. Mộ mới nhưng hoa đã ủ rủ héo tàn, cây Thánh Giá ngã qua một bên. Đêm qua có mưa, để cây thánh giá nghiêng ngả, để hoa héo tàn…chứ không phải những đứa con của bà quên mất mẹ…Tôi cố nghĩ như thế.

Bước lại mộ bà, sửa lại cây Thánh giá cho ngay ngắn, tôi thắp một nén nhang, rồi cắm vào mộ…hương khói nghi ngút. Bỗng hai mắt tôi nhòe ra, những giọt nước mắt tự dưng chảy tràn…Khóc! Phải, tôi khóc, khóc cho một người mẹ bất hạnh. Nhưng giờ đây, có lẽ bà thật sự hạnh phúc, vì đã làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ…

Tự hứa với lòng, thánh lễ chiều nay, xin được dâng lên Chúa để dành riêng cầu nguyện cho bà, một bà mẹ bất hạnh. Mong hương hồn bà sớm được vui hưởng thánh nhan Chúa…


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS





Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Tùy bút XIN MỘT VÉ TRỞ VỀ TUỔI THƠ


Tùy bút
XIN MỘT VÉ TRỞ VỀ TUỔI THƠ


Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước được trở về tuổi thơ. Dù rằng tuổi thơ của tôi chẳng có gì là hay ho cả.

Tuổi thơ của tôi không phải đi học cả ngày giống bọn con nít bây giờ. Hằng ngày chỉ học buổi sáng, buổi trưa trốn mẹ đi dăng nắng, buổi chiều ra đồng thả diều, đá bóng…Nhiều lần bị mẹ mắng vì cái tội ham chơi hơn ham học…

Tuổi thơ của tôi không điện thoại, không internet như bọn con nít bây giờ. Tối đến là cả xóm rủ nhau ra đầu đường chơi ăn ô quan, chơi nhảy dây, rượt bắt, trốn tìm, rồng rắn lên mây, tạt lon…

Tuổi thơ của tôi không bạo dạn như bọn con nít bây giờ. Chỉ cần bị chọc ghẹo thích nhau thôi là mặt mày đỏ bừng như trái gấc. Rồi len lén viết thư cho nhau, hòm thư là gốc cây na, cây ổi, bụi cỏ. Để rồi không may bị tụi bạn phát hiện đọc to cho cả xóm nghe thằng Tư con Tám yêu nhau, cô dâu chủ rể làm bể bình bông đổi thừa con nít, để đít ra ngoài…

Ừ, tuổi thơ của tôi chẳng có gì là hay ho như bọn con nít bây giờ mà sao đêm đêm tôi vẫn thường mơ được trở về tuổi thơ. Nhớ ngày nào con bé, chiều chiều rủ nhau đi lễ, rồi trốn lễ, về bị mẹ cho vài roi vì cái tội đi lễ mà không biết cha mặc áo màu gì. Tuổi thơ của tôi chỉ là những ngày hẹn nhau lên sân sau, vườn nhà xứ để hái trộm vú sữa, ổi, chuối.., để rồi bị ma xơ phát hiện bắt quỳ gối dang hai tay cầm hai trái ổi…

Ừ, tuổi thơ của tôi chẳng có gì hay ho cả. Mỗi khi Trung Thu đến không có nhiều khu vui chơi như bây giờ, niềm vui của tuổi thơ tôi chỉ là rủ nhau đi rước đèn, hát inh ỏi khắp xóm. Đèn đơn giản được làm từ một cái ống lon sữa bò cắt ra, đèn chỉ là vài ba tờ giấy kính xanh đỏ làm hình ngôi sao, làm ông mặt trời…rồi rủ nhau đi thổi nến của nhau, tắt ngúm rồi vụt chạy…

Tuổi thơ của tôi chẳng có gì hay ho cả, nhưng tôi vẫn muốn làm trẻ con, vẫn muốn quay trở về tuổi thơ, vì đơn giản đó là điều đẹp ý Chúa. Vì đơn giản Nước Trời chỉ dành cho những ai giống như trẻ thơ.

Lạy Chúa, nếu Chúa cho con một điều ước, con xin ước rằng: Xin cho con một vé để trở về tuổi thơ.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Truyện ngắn MẸ! CON MUỐN ĐƯỢC ĐÓN TẾT TRUNG THU.


Truyện ngắn

MẸ! CON MUỐN ĐƯỢC ĐÓN TẾT TRUNG THU.


Con bé hai mắt tròn xoe, ngấn nước, nép mình bên khe cửa nhà thờ nhìn tôi. Thấy ánh mắt trong sáng của em, tôi bước lại gần, định bắt chuyện làm quen. Con bé vụt chạy. Qua khúc cua, bóng em mất hút.

***
        Hôm nay Tết Trung Thu, có đoàn bác ái trên Sài gòn xuống giáo xứ làm bác ái, mang Tết Trung Thu đến cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa như giáo xứ của tôi.

***
        Ở cái giáo xứ xa lắc xa lơ, nghèo xơ nghèo xác này, ai mà chẳng biết nhà chị Hạnh. Nhà chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Con bé chừng mười hai mười ba tuổi, mắt sáng, tóc dài…đang tuổi ăn tuổi lớn. Mới năm trước còn con nít lắm, năm nay đã ra dáng thiếu nữ rồi. Con bé cũng thường hay chơi lò cò, bắn thung với đám bạn ở sân nhà thờ. Nhưng chẳng hiểu vì sao, mỗi khi có đoàn từ thiện đến là chị Hạnh lạ cấm tuyệt con bé không được bén mảng đến nhà thờ.
Tuy nhà nghèo, nhưng từ trước đến nay, chị lúc nào cũng nằng nặc không nhận bất cứ thứ gì của các đoàn bác ái. Chị cứ khăng khăng, tất cả chỉ là giả tạo, những người có vẻ ngoài tốt lành nhưng bên trong chỉ toàn xấu xa đê tiện. Con bé rất muốn biết lý do gì khiến mẹ nó có định kiến như thế, nhưng chưa bao giờ nó mở miệng hỏi mẹ vì sao.

***
Bữa nay Tết Trung Thu, từ tờ mờ sáng, đoàn từ thiện trên Sài gòn xuống đã khiến không khí vốn u buồn của giáo xứ trở nên náo nhiệt, ồn ào. Rất đông các tình nguyện viên đến và chuẩn bị quà bánh cũng như hội chợ cho các trẻ em. Con bé thích lắm. Đám bạn rủ đi chơi. Nhưng sợ mẹ đánh đòn, nên nó chỉ dám len lén nép mình bên cửa mà nhìn các bạn vui chơi.
Vừa trông thấy con bé thì cũng là lúc tôi nhìn thấy chị Hạnh xuất hiện ngay sau lưng nó, rồi chị hét lớn: “Út Hận! về nhà mau, mẹ cấm con không được ra chơi ở đây mà!”. Con bé, đổi sắc mặt, hai mắt ngấn nước, cúi đầu lủi thủi ra về. Bất chợt nó quay lại nói với mẹ: “Mẹ! con muốn được đón Tết Trung Thu”.

***
Tiến lại gần, tôi cố ý làm nguôi lòng chị. Rồi từ tốn hỏi nguyên do sao không cho con bé vui chơi Trung Thu với đám bạn. Người phụ nữ, bất chợt ôm lấy tôi rồi khóc: “Con khổ quá cha ơi!” Phải mất gần ba mươi phút tôi mới trấn an lại chị. Lúc này chị bình tĩnh hơn rồi kể chuyện đời mình như tuôn trào suối nước...Vừa kể, chị vừa khóc nghẹn. Trời giăng mây đen ngòm.
        Có những nỗi hận mà người ta mang theo cả cuộc đời. Có những kỷ niệm buồn mà không sao có thể quên được. Tết Trung Thu năm ấy, đoàn từ thiện đến để tổ chúc Hội chợ Trung Thu cho thiếu nhi. Nhưng rồi, chính đoàn từ thiện ấy đã lấy đi tuổi thơ của con, lấy đi cả một thời con gái của con. Rồi sau đêm Trung Thu, người ta theo đoàn từ thiện về Sài gòn và không bao giờ quay lại nữa. Bỏ lại con với cái bụng bầu ngày càng lớn. Bỏ lại con với bà con lối sóm, với sự sỉ nhục...Cha nghĩ xem, với một đứa con gái chưa được mười lăm mà chữa hoang? Cha mẹ con vì không chịu nổi cảnh bị sỉ nhục nên bán nhà đi chỗ khác.
Trăng Trung Thu mười lăm sáng trong làm sao, tuổi mười lăm của con lại u tối như vậy. Đêm Trung Thu chưa qua mà đã khép lại mộng mơ của một thời con gái với cái bụng bầu không người nhận. Con không muốn con gái của con mất đi tuổi thơ chỉ vì tham gia một cái hội chợ Trung Thu do những người làm bác ái mang đến. Biết đâu ẩn mình trong nhóm bác ái ấy, một người đàn ông sẽ lấy đi tuổi thơ, lấy đi Trung Thu của con bé như đã từng lấy đi của con.
        Con hận người đàn ông bạc tình, con hân luôn các đoàn từ thiện. Họ ỷ họ có tiền, rồi vênh vang nghĩ rằng mình rộng lượng chia sẻ, cho đi, giống Chúa...

Nói xong, chị lại khóc. Tôi nhẹ nhàng khuyên nhủ. Chưa bao giờ trong đời mục vụ của tôi, những lời khuyên nhủ lại trở nên trống rỗng và tẻ nhạt như thế. Tôi có thể làm gì được ngoài những lời khuyên từ Kinh thánh. Rằng Chúa tha thứ tất cả con ơi. Con hãy nên như Chúa. Đừng để con gái của mình mang lấy nỗi hận của mình...
        Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi đoàn từ thiện cần tôi hướng dẫn nhiều thứ...

***
Đêm đã đến, ánh trăng soi tỏ cả một vùng rộng lớn. Trẻ em cầm đèn trong tay vừa rước đèn vừa nhảy múa theo nhạc. Mấy ngày trước mưa như trút nước. Ai cũng lo lắng. Hôm nay đúng ngày tổ chức hội chợ thì trăng sáng. Mọi người thở nhẹ nhõm: “Cám ơn Chúa đã nhận lời nguyện của chúng con.”
        Hội chợ diễn ra trong bầu khí vui tươi náo nhiệt. Dường như không còn sự phân biệt giữa con nít và người lớn, giữa giàu và nghèo, giữa Công giáo và các tôn giáo bạn. Ai nấy cũng phấn khởi vui tươi.
        Bất chợt giữa đám đông ồn ào náo nhiệt, giữa đám con nít đang rước đèn tung tăng, tôi chợt thấy Chị Hạnh nắm tay con bé Út Hận đến...Rồi hai mẹ con cùng vui chơi.
        Thấy tôi lại gần, chị nói lớn hay tiếng nhạc quá lớn làm chị phải nói như hét lên để tôi có thể nghe được: “Cha ơi, con không có được một cái Tết Trung Thu trọn vẹn, tại sao con lại không cho con của con điều đó. Mặc kệ ai giả dối lừa lọc, chỉ cần con của con được thật sự có một cái Tết Trung Thu đúng nghĩa là con vui rồi...”
        Tiếng nhạc lại vang lên: Tết Trung Thu rước đèn đi chơi...

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Tản văn SỨC MẠNH CỦA ĐỒNG TIỀN

Tản văn

SỨC MẠNH CỦA ĐỒNG TIỀN

Sáng nay, trao Mình Thánh cho một bệnh nhân cao tuổi, sau khi đọc xong các công thức, tôi nâng Mình Thánh Chúa thật cao: MÌNH THÁNH CHÚA KI-TÔ!

Bà già cau có, cựa quậy rồi ú ớ.... Tôi lại hô lớn hơn: MÌNH THÁNH CHÚA KI-TÔ.
Bà già bất hợp tác, tiếp tục kêu la, cau có, khó chịu, quằn quại...Chắc bà đau trong người, tôi nghĩ thế.

Lúc này tôi hô lần thứ ba, lớn hơn hai lần đầu: MÌNH THÁNH CHÚA KI-TÔ.

Dường như bà cụ đang thách thức sự kiên nhẫn của tôi. Tôi nói nhỏ nhẹ hơn: Bà ơi, bà há miệng ra con cho bà rước Mình Thánh Chúa nhé, Chúa sẽ ban cho bà mau khỏe lại...

Bà cụ càng cựa quậy, bất hợp tác, rồi ú ớ...
Thấy vậy, ông chùm nói lớn: Bà há miệng rước Chúa, lát đưa bà đi chơi nhé...
Bà cụ vẫn vậy, mè nheo, cau có, bất hợp tác.

Cô con gái bên cạnh nói nhỏ: Cha ơi bà đang khó chịu trong người cả tuần rồi.

Tôi hít một hơi, đầy vẻ kiên nhẫn với cụ già, rồi lại nói: Bà ơi, bà há miệng ra con cho bà rước Thánh Thể, Chúa sẽ ban cho bà có sức khỏe, cho bà mau lành bệnh...bà há miệng ra...

Cụ già càng cựa quậy và tỏ vẻ khó chịu nhiều hơn. Chúng tôi đang không biết làm sao thì cô con gái đứng bên cạnh nói lớn: Bà há miệng ra rước Chúa, lát con cho bà tiền nhé.

Bất chợt bà già nằm im, rồi ngoan ngoãn há miệng ra.

Tôi nhanh chóng, trao Mình Thánh cho bà.

Mọi người nhìn nhau.

Bước ra khỏi phòng trọ ngột ngạt và tối tăm, lòng tôi bất chợt tự hỏi: Sức mạnh của đồng tiền là thế. Một con người gần đất xa trời, những tưởng có thể buông bỏ được để nhẹ nhàng thanh thản. Quả thật, đồng tiền có sức mạnh thật ghê gớm. Nó theo suốt con người cho đến những hơi thở cuối cùng.

Tôi không trách bà già ham tiền. Mà bà ham tiền cũng đâu có gì là tội lỗi. Cứ nhìn cái phòng trọ chật chội, hôi hám, mạng nhện bồ hóng giăng kín, cái giường gấp tạm bợ, thân phận người cũng tạm bợ...mới thấy tiền quan trọng như thế nào.

Tự hỏi lòng, đã khấn với Chúa lời khấn Khó Nghèo, nhưng liệu rằng tôi có thanh thản ung dung tự tại trước tiền bạc, hay rồi cũng lại bám víu vào thứ này thứ kia, bám víu vào của cải trần gian chóng qua này, bám víu vào tiền, để rồi lắc đầu, ngậm miệng, cố gạt ra bên ngoài kho báu vô biên là Mình Thánh Chúa Ki-tô?


Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Truyện ngắn CŨNG CÓ MỘT CHUYẾN XE NHƯ THẾ

Truyện ngắn

CŨNG CÓ MỘT CHUYẾN XE NHƯ THẾ

        Bạn có tin có những chuyến đi làm thay đổi cuộc đời không? Tôi đã có một chuyến đi như thế.

        ***

        Học xong lớp mười hai, tôi tự tin thi đại học sư phạm với ước mơ sẽ trở thành thầy giáo, chỉ để gõ đầu mấy đứa trẻ trong xóm. Quê tôi xa lắm, xa ơi là xa tựa như người ta hay kể chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa vậy. Xa đến nỗi mà được đi học là một thứ xa xỉ với đám con nít chúng tôi. Xa đến nỗi mà chỉ duy nhất mình tôi là có thể đi học hết lớp mười hai. Còn lại, đám con nít thanh niên, đứa học nhiều lắm là qua lớp sáu. Thế rồi không có tiền, phải nghỉ học giữa chừng, rồi lại lẽo đẽo theo mẹ đi chợ, hoặc những trưa nắng lội ruộng bắt mấy con cá rô, mò mấy con ốc…
        Tự thấy mình học cũng giỏi, nên tự tin thi đại học sư phạm, mà là sư phạm toán mới ghê chứ. Vậy mà… Tổng cộng cả ba môn thi chỉ được bảy điểm rưỡi. Thiệt chán hết sức, nói ra còn thấy hổ thẹn thêm.
        Đành gác luôn cái ước mơ gõ đầu trẻ qua một bên, tôi đón xe lên Sài Gòn với hy vọng sẽ đổi đời. Chứ ở riết cái miền quê này, không đi chăn trâu cũng nuôi vịt chạy đồng, biết đời nào mà ngóc đầu lên nổi.

        ***

        Chờ mãi từ sớm mới đón được một chuyến xe, tôi bị người ta nhồi lên xe cứ như một đứa trẻ nhét cả đống cơm trong miệng vì đói. Một ông già râu tóc bạc phơ, ôm khư khư cái giỏ tụng, bên trong có con gà. Thấy tôi lên xe, ông ôm con gà vào lòng như thể sợ tôi lấy mất. Kế bên, người đàn bà đoán chừng ngoài bốn mươi ôm chặt cái thúng đầy ứ các loại bánh. Sau lưng, một thanh niên tay chân xăm xanh đỏ, đầu cạo trọc, miệng rít điếu thuốc, mùi khói thuốc trộn lẫn với mùi xăng xe nồng nặc. Xa hơn phía trước vài người gục đầu lên vai nhau mà ngủ. Một bà mẹ tay ôm đứa bé cứ khóc rân, chị kéo áo cho nó bú. “Mặc kệ ai nhìn thì nhìn, miễn cục cưng của mẹ không khóc là được rồi heng!” Chị nói nhỏ với đứa con.
        Bầu không khí nặng trịch, hôi hám, một người phụ nữ không chịu nổi nôn ói ọe ọe, nước mắt nước mũi tè le. Tưởng rằng tôi sẽ chết được nếu chỉ đi thêm vài phút nữa. Bỗng ông cụ già có con gà cất tiếng nói:
-        Nè chú em, tắt điếu thuốc lá đi dùm cái, không thấy người ta say xe hả.
Như được khai mào, mọi người cũng hùa nhau: Phải rồi, xe đã hôi cậu còn lại hút thuốc. Cậu thanh niên nhìn có vẻ giang hồ nhưng cũng dụi ngay điếu thuốc như cảm thấy mình có lỗi. Rồi mọi người trong xe bắt đầu cởi mở hơn, tiếng nói chuyện thăm hỏi vang dần.
-        Nè ông già, ông có con gà gì mà ôm khư khư thế? Ông đưa nó lên Sài gòn không được đâu, dạo này cúm gia cầm người ta bắt dữ lắm à ngheng. – giọng một người đàn ông trung niên lên tiếng.
-        Tôi mang nó lên cho thằng cháu, nó thích nuôi gà. Trên trển không có giống gà này.
-        Cho xem thử gà ông thế nào? Người đàn ông nói tiếp.
Ông già lôi con gà từ trong giỏ ra, mân mê cái ức nó rồi cầm trên tay đưa cho người đàn ông.
-        Tôi thấy con này được, bán cho tôi đi, năm trăm được không?
-        Ai chà, gà này tôi cho cháu, bao nhiêu cũng không bán.
-        Chê ít hả ông già, thôi tám trăm?
-        Ừ…mà bán rồi tôi lấy gì làm quà cho thằng nhỏ. Thôi tôi không bán đâu – Ông già tỏ vẻ lưỡng lự.
-        Ghẹo ông già chơi chớ tôi đâu có phải dân đá gà mà mua. – Người đàn ông nói xong, rồi cười.
Bên cạnh, người ta cũng bắt đầu hỏi thăm nhau. Chị phụ nữ bán bánh dạo, ngày hai lượt đi chuyến xe này đến bến phà thì xuống, đặng bán cho khách đi phà. Cậu thanh niên thì bỏ nhà đi hoang vì cá độ. Người phụ nữ ôm đứa con đi kiếm chồng, số là chồng chị đã bỏ nhà đi từ ba tháng nay.
-        Thế còn chú em, chú đi đâu? Nhìn có vẻ thư sinh, đi học hả? –người đàn ông quay qua hỏi tôi.
-        Hả? chú hỏi con?
-        Ừ! Chú em lên Sài Gòn làm chi, bộ đi học hả?
-        Dạ. Không! Con đi làm.
-        Làm gì? Có chỗ chưa?
-        Dạ chưa? Con không biết phải đi đâu, cứ lên Sài Gòn rồi tính sau.
-        Trời đất ơi! Chú em không có người quen, sao mà xin việc được. Hay là theo tôi, tôi dẫn đi làm, bữa nay tôi cũng đang cần thợ.
Chẳng biết sao tôi lại gật đầu cái rụp mà không suy nghĩ gì. Nghe câu gợi ý của người đàn ông tôi như vớ phải được vàng, nhưng vừa mừng lại vừa lo. Không biết đời mình sẽ ra sao? Tôi tặc lưỡi, thôi kệ, đời trai mà.
Và thế là cuộc đời tôi đã sang trang từ sau cái gật đầu đó, từ sau chuyến xe đó.

***

Đến nơi làm, tôi mới biết đó là công trình của một tu viện Công giáo. Mà từ trước giờ tôi có tới tu viện hay nhà thờ nhà thánh bao giờ đâu. Gia đình tôi gốc đạo Phật, thờ Phật cũng mấy đời. Mà ở quê tôi cũng chẳng có cái nhà thờ nào. Chỉ biết rằng mỗi khi rằm, bọn con nít chúng tôi hay vào chùa trộm đồ cúng ăn, nhiều lần bị các sư bắt quả tang quất cho vài roi.
Những ngày đầu tôi đến đây làm việc buồn đến chết được. Thế rồi, ngoài giờ làm, tôi tò mò, lân la đến những nhóm các bạn trẻ tụ họp ca hát gì đó, rồi quen, tôi xin vô sinh hoạt cho vui, chứ buổi tối một mình nơi công trường cũng chẳng biết làm gì.

***

Vậy đấy, tôi đến với Chúa một cách vô tình như thế. Sau khi theo học chung với các bạn di dân, tôi bắt đầu thắc mắc về Chúa, về Mẹ, rồi cũng tập tành đi lễ. Lúc đầu cũng chẳng hiểu gì nhiều, nhưng càng nghe nhiều, tôi như nhận được sức mạnh và sự tự tin vào cuộc sống. Nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Chúa.
Thế vẫn chưa đủ, nhìn các cha các thầy phục vụ nơi đây, lòng tôi bất chợt lóe lên một ước muốn lạ thường: “Có đời nào mình đi tu trở thành linh mục không ta?”

***
Và rồi câu hỏi của tôi đã được trả lời bằng sự nâng đỡ rất nhiệt tình của các cha nơi đây. Công trình hoàn tất, tôi được học đạo, rửa tội, rồi được các cha nâng đỡ, tôi đậu đại học sư phạm theo ý mình ước mong.
Thời gian đầu thật khó khăn với tôi, bởi một người theo đạo đã khó, nay là một tân tòng tôi lại chọn đời sống dâng hiến lại khó biết chừng nào. Nhưng rồi tất cả cũng qua đi, dù rằng tôi bị gia đình phản đối kịch liệt vì ước nguyện chẳng đâu vào đâu của mình.
Ngày chịu chức linh mục, gia đình tôi không có ai tham dự, nhưng tôi biết ở ngay bên cạnh tôi Chúa luôn hiện diện và đồng hành, Chúa không để tôi phải cô đơn bao giờ.
Cũng vài lần về quê, tôi khuyên ba má và các anh chị theo đạo, nhưng có lẽ thật khó để có thể thay đổi một não trạng đã ăn sâu vào nếp sống của gia đình tôi.

***

Ngày ba tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời, tôi và các cha về làm tang lễ cho ba, cả xóm tụ lại dáo dác lạ lùng với những tu sĩ linh mục. Sau đám tang vài tuần, má tôi gọi điện lên báo tin má và các anh chị sẽ theo học đạo. Tôi mừng vui không kể siết. Đúng là Chúa có cách làm việc riêng của Chúa mà chúng ta không hiểu được.

***
Thế rồi, người ta cũng dựng được một ngôi nhà nguyện nho nhỏ, ngay ngã ba kênh. Vài gia đình Công giáo tụ họp mỗi ngày Chúa nhật đi lễ. Má tôi mừng ra mặt, giờ đi nhà thờ không phải đi xa nữa.

***
Ngày giỗ giáp năm của ba, tôi về quê thăm má và các anh chị, rồi dâng lễ giỗ cho ba, cùng ăn với nhau bữa cơm quê. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình thanh thản và bình an như thế. Má nói gia đình mình là những thợ làm vườn nho giờ thứ mười một của Chúa phải không con?

***
Sáng sớm, tôi đón xe lên Sài Gòn, bỗng hình ảnh của chuyến xe năm nào lại hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi ước sao có thể gặp lại người đàn ông năm nào đã dắt tôi đến công trường chỉ để nói lời cảm ơn, mà dường như mất hút, như không bao giờ  có thể gặp lại.
Những con người ngồi trong xe dáo dác, ngơ ngác, mệt mỏi, bận rộn lo toan với miếng cơm manh áo trên đường đi tìm ước mơ đổi đời. Một cậu thanh niên ngồi kế bên, gục đầu lên thành ghế mà ngủ. Bất chợt, tôi hỏi:
-        Này chú em, chú đi đâu thế?
-        Dạ con đi học, con mới đậu đại học sư phạm.
-        Có chỗ nào ở trọ chưa?
-        Dạ chưa! Con chẳng biết phải thế nào nữa.
-        Theo tôi, tôi giới thiệu chỗ ở cho…

Bạn có tin chuyến xe và cuộc gặp gỡ của cậu bé hôm nay có là chuyến xe và cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời như tôi không? Có Chúa mới biết được.


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS