Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Tùy bút CHIẾC ÁO DÒNG


Tùy bút

CHIẾC ÁO DÒNG

Còn nhớ những ngày đầu mới tập tu, tôi với một anh em đi chợ mua vải may quần áo để vào Dòng. Cô chủ tiệm vải vừa sau một hồi nói chuyện qua lại, mạnh dạn hỏi chúng tôi:
-        Nhìn giống mấy thầy quá, có phải mấy thầy tập tu không?
-        Dạ! mà sao cô biết? - Hai chúng tôi nhìn nhau, rồi ấp úng.
-        Nhìn mấy thầy là biết liền à…
Dĩ nhiên, sau khi xác nhận là thầy tập tu, chúng tôi được giảm giá cách đặc biệt mà không cần phải mặc cả.

Ngày đó, khi mới tu, sao tôi ao ước được mặc Áo Dòng, nhìn nó thật đẹp. Mặc Áo Dòng vào nhìn thánh thiện hẳn ra. Vậy mới ra thầy chứ! Rồi chợt nghĩ: “Giá mà Giáo hội cho phép được mặc Áo Dòng suốt cả ngày như ngày xưa thì hay nhỉ. Vì nhìn cái áo thì ai cũng biết mình là thầy, biết mình là tu sĩ.”

Ấy vậy mà, từ trước đến giờ, có bao giờ tôi mặc Áo Dòng ra đường đâu mà vẫn bị người ta phát hiện ra là thầy tu. Rồi có lần, và nhiều lần như thế, tôi cố tình ăn mặc thật mô đen để xem người ta có nhận ra mình là thầy hay không. Cũng bị phát hiện.
Hỏi mới biết, nhiều người nói rằng nhìn mặt mấy người đi tu biết liền, thì nó khờ khờ…Tôi nghĩ bụng: “Nhìn mặt ngu ngu thì có”…Rồi tự cười với mình.

Bữa nay có dịp đi từ Hà Nội về Sài Gòn, tôi đang xếp hàng để vào cửa hải quan, thì nghe ồn ào phía sau. Tiếng ai đó chào thầy. Bất chợt tôi quay lại. Thì ra người ta chào một thầy, nhưng không phải thầy Dòng mà là thầy Chùa. Nhìn là biết thầy, bởi thầy mặc tu phục áo chùm nâu vàng. Cùng đi với thầy là hai người khác, cũng mặc áo vải nâu. Nhiều người to nhỏ:
-        Thầy trễ giờ thì cứ vô trước.
-        Trời ơi, 4g bay mà bây giờ 4g kém 15 rồi. – giọng một người khác thêm vào.
Nghe thấy thế, thầy và hai người còn lại chui qua hàng rào trước sự ngỡ ngàng của bao người xếp hàng khác. Tôi cũng không thấy khó chịu vì dù sao cũng ưu tiên vì thầy đã trễ giờ. Tôi nghĩ mọi người cũng thế. Thông cảm và ưu tiên cho thầy.

Vì người xếp hàng thì đông, mà thầy lại mang vác ba lô tay xách nách mang nặng nề, nên khi chui qua mấy cái dây hàng rào vướng vào ba lô vô tình làm đứt dây, đổ luôn cái cột. Mọi người né qua một bên để thầy lên trước. Cuối cùng thầy và hai người còn lại cũng đến được trước mặt nhân viên hải quan.
Cô nhân viên hải quan đến và thật bất ngờ cô nói thẳng thừng và đuổi ba người xuống.
-        Trời ơi! Có biết xếp hành không vậy. Ai cũng phải xếp hàng mà. Trễ giờ thì ráng chịu, người ta đã thông báo đúng giờ. Lui xuống, xếp hàng đi…Giọng cô nhân viên hải quan không chút cảm xúc.
Ba người lủi thủi quay về vạch xuất phát trước những ánh mắt ái ngại của biết bao người.

Tôi quan sát sự việc từ đầu đến cuối. Và cảm thầy quê dùm cho thầy. Thấy tội thầy làm sao đó.

Bỗng dưng tôi tự nghĩ: Ừ ha, hên là mình không mặc Áo Dòng. Mình mà mặc Áo Dòng mà bị như vậy chắc quê mà chết mất…
Rồi cười thầm…Làm gì có người quê mà chết bao giờ!

Bỗng thấy chiếc Áo Dòng đẹp hơn bao giờ hết. Nó không phải là trang phục như những quần áo khác. Nó không thể được mặc để đến những nơi công cộng. Khoác lấy Áo Dòng là khoác lấy Đức Ki-tô. Trang trọng vậy đấy! Thế nên làm sao mình lại có thể mặc nó đến những chỗ không xứng hợp cho được?
Tôi nghĩ thế, rồi tự tin kéo va ly qua cổng hải quan…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
(P/s: Bài viết chỉ là một cảm xúc cá nhân trước một sự kiện, không có ý nói xấu hoặc lên án cá nhân hay tập thể nào.)



Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Truyện ngắn BÀ MẸ BẤT HẠNH!


Truyện ngắn


BÀ MẸ BẤT HẠNH!

Bà nằm đó, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp…

Tôi giơ cao Mình Thánh Chúa, rồi hô: Mình Thánh Chúa Ki-tô. Bà ú ớ như đáp lại câu “Amen” mà dường như nên lời. Hai hàng nước mắt chảy trào ra…Bà há miệng rước lấy Chúa như là cứu cánh cho cuộc đời, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng.

Bà ra đi vào một chiều buồn. Trời âm u, rồi mưa. Dường như ông trời đang khóc cho bà, một người mẹ đáng thương.

***

Sinh được sáu đứa con, chồng chết sớm, bà  ở vậy nuôi các con khôn lớn, rồi lo lập thành gia thất cho các con. Thằng Hai lấy vợ Sài gòn rồi về ở rể nhà vợ. Mấy năm sau làm ăn thua lỗ, lại chạy về ở ké nhà bà. Thương tình, bà cắt mấy mét đất để thằng hai có chỗ xây mà mà vợ chồng sinh sống. Cô Ba lấy chồng gần nhà, nhưng chẳng bao giờ về thăm mẹ. Thỉnh thoảng chơi số đề rỗng túi, chủ nợ rượt xất bất xang bang lại chạy về núp bóng mẹ. Năm ba bữa êm chuyện, gom góp chút tiền hưu của mẹ rồi về nhà. Thằng Tư, Thằng Năm…rồi Cậu Út cũng lần lượt lấy vợ. Mà cũng chẳng cưới hỏi gì. Vài đứa con dâu từ trên trời rơi xuống mang theo cái bụng bầu, về nhà bà, rồi sinh con, một tay bà lo. Con lớn chưa đầy tháng, đứa con dâu bỏ nhà, bỏ chồng, bỏ con, bỏ lại bà…Vài thằng lại rước thêm những đứa con dâu khác, lại cho ra đời những đứa cháu, bà lại tiếp tục nuôi, rồi chúng lại tiếp tục ra đi.

***

Rồi các con cũng yên bề gia thất, mảnh đất được chia đều cho sáu anh em. Đứa thì xây nhà, đứa thì bán, để lại cho bà mảnh đất nhỏ với căn nhà cổ xưa…xưa như tuổi của bà.

***

Chẳng may bà bị tai biến mạch máu não. Lần đầu bà còn cố tập vật lý trị liệu, cũng tạm, bước được vài bước, cũng lân la tự nấu cơm, tự ăn, tự tắm giặt... tự một mình bà. Nhưng đến đợt tai biến lần hai, bà đành phó thác cho số phận, nằm liệt giường. Hai thằng con trai xây nhà cao tầng hai bên vách lá nhà bà, thỉnh thoảng động lòng trắc ẩn lại qua thăm, đút cho muỗng cháo, pha cho ly sữa…còn lại, dù liệt giường nhưng bà cũng cố làm những việc cá nhân, mà dường quá sức cho cái thân già.

***

Có lần tôi đến trao Mình Thánh Chúa, nhưng căn phòng bà vẫn tối như bưng, ẩm mốc, bốc mùi khai thối nồng nặc. Mấy cái cúc áo bà mở banh ngực, để lộ những vết lở loét bên trong, tôi nhẹ nhàng cài lại, rồi mới cho bà chịu Mình Thánh.

Cũng có lần tôi dùng quyền chánh xứ, qua nhà hai cậu con trai kế bên đề nghị phải chuẩn bị bàn thờ, rửa mặt mũi cho ba mỗi khi cha cho Rước Mình Thánh. Cậu Hai, cô Ba dạ dạ vâng vâng, đứa con dâu xuất hiện được một bữa rồi đâu lại vào đấy…


***

Hôm cho bà rước Mình Thánh lần cuối, bà ra đi mà hai hàng nước mắt chảy tràn, nhưng tôi lại thấy an lòng. Chẳng biết bà khóc vì còn những uất ức gì nơi tâm hồn, nhưng có lẽ cái chết là một giải thoát cho chính bản thân bà.

***

Mẹ mất, mấy đứa con tụ họp bàn bạc xem ai là người sẽ đứng ra lo đám cho mẹ. Chẳng hiểu chúng bàn với nhau như thế nào mà thằng Út nổi máu điên ném cái bát ăn cơm thẳng vào đầu thằng anh Hai túa máu. Cô con gái chạy ù xuống bếp vác con dao phay rượt thằng Út…Tao giết mày!!!…Thằng Út chốn biệt tăm. Thằng anh Hai được đưa đi cấp cứu.

Sáng hôm sau, thánh lễ đám tang bà chưa bao giờ lặng lẽ đến thế. Không một giọt nước mắt… Không một sự thương tiếc… Không có sự hiện diện của vài đứa con…


***

Ba ngày sau, bàn thờ bà được dẹp bỏ. Cái chòi bà đã từng ở được giở tung. Bên ngoài, một tấm bảng nhỏ được treo lên: Cần bán đất gấp! Xin liên hệ số điện thoại 012…


***

Cuối tháng 10, giáo xứ thông báo mọi gia đình dành thời gian đến nghĩa trang dọn dẹp, làm cỏ, rửa mộ…chuẩn bị ngày lễ cầu cho các đẳng linh hồn. Người người, nhà nhà xin lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ tổ tiên…Có cả Cô Ba, con gái bà, nhét vào tay tôi tờ giấy bạc 100.000 ngàn rùi ú ớ: “Cha cầu nguyện cho mẹ con…linh hồn Ma-ri-a…ấy không phải, linh hồn Tê-rê-sa…hình như không phải, là Anna hay sao đó…Xin lỗi cha con quên mất…”


***

Sáng 2/11, tôi đến nghĩa trang thật sớm, định thắp vài nén nhang cho ông bà. Bất chợt, tôi nhìn thấy mộ bà. Một ngôi mộ mới đắp, còn nguyên mùi bùn. Mộ mới nhưng hoa đã ủ rủ héo tàn, cây Thánh Giá ngã qua một bên. Đêm qua có mưa, để cây thánh giá nghiêng ngả, để hoa héo tàn…chứ không phải những đứa con của bà quên mất mẹ…Tôi cố nghĩ như thế.

Bước lại mộ bà, sửa lại cây Thánh giá cho ngay ngắn, tôi thắp một nén nhang, rồi cắm vào mộ…hương khói nghi ngút. Bỗng hai mắt tôi nhòe ra, những giọt nước mắt tự dưng chảy tràn…Khóc! Phải, tôi khóc, khóc cho một người mẹ bất hạnh. Nhưng giờ đây, có lẽ bà thật sự hạnh phúc, vì đã làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ…

Tự hứa với lòng, thánh lễ chiều nay, xin được dâng lên Chúa để dành riêng cầu nguyện cho bà, một bà mẹ bất hạnh. Mong hương hồn bà sớm được vui hưởng thánh nhan Chúa…


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS