Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

ÔI TRÁI TIM CHỈ BIẾT YÊU NGƯỜI


Tùy bút

ÔI TRÁI TIM CHỈ BIẾT YÊU NGƯỜI
P/s: Viết để dành tặng cho những ai đang muốn sống đời dâng hiến.


Trời se lạnh. Mưa phùn lất phất. Gió len qua cửa rít lên. Nghe như tiếng cười của em. Bất chợt! Bóng dáng em ùa về trong tâm trí tôi.
Chẳng biết từ khi nào em đã là một phần trong tôi.

***

Không thể nhớ khi nào và ở đâu chúng tôi lại đến với nhau, rồi yêu nhau…Chỉ nhớ những ngày ấy, mỗi khi chúng tôi ở bên nhau, dường như thiên đàng chẳng ở đâu xa. Ở ngay đây, trong ánh mắt sâu thẳm, trong nụ cười của em.
Và chúng tôi đã có những ngày bình yên, hạnh phúc nhất.

***

Thế nhưng một khi biết vui, là khi trái tim thấm thêm nỗi buồn…

Và rồi chúng tôi chia tay nhau từ những ngày bình yên và hạnh phúc đó.
Cũng vào một buổi chiều trời mưa phùn. Tiễn tôi ra đi, em cố níu giòng lệ trong khóe mắt. Tôi bước đi, đầu không ngoảnh lại, dằn lòng mình hãy quên em đi.

***

Thời gian trôi qua, tôi lao mình vào học tập và cầu nguyện, lao mình vào chương trình tu luyện gian khổ, lao mình để bỏ lại một thời yêu thương mộng tưởng… lao mình để sống với ước vọng tưởng chừng mong manh nhưng bao la rộng lớn hơn cả tình cảm của tôi và em.

Để rồi cố tình đánh rơi từng mảng quá khứ, cố tình bỏ quên lối nhỏ nơi em chờ tôi, cố tình giết chết bóng dáng nhỏ bé ấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy.

***

Cuối cùng ước vọng của tôi cũng trở thành hiện thực, tôi đã trở thành linh mục. Nhưng có lẽ hình ảnh của em sẽ không bao nhờ xóa nhòa trong ký ức của tôi. Để rồi như chiều nay, chỉ một chút se lạnh, một chút mưa phùng phảng phất, một chút gió cũng đủ mang hình ảnh em trở về. Làm sóng sánh nụ cưới, xốn xang lồng ngực. Chợt như nghe tiếng thì thầm của em bên tai. Chợt như sống lại thủa mới yêu. Nồng nàn nhưng da diết, rồi xa mãi, xa mãi.

Chúng tôi lạc mất nhau giữa những giấc mơ còn dang dở, giữa những hoài bão cao siêu mà cả hai nghĩ rằng chúng còn quan trọng và vĩ đại hơn tình yêu nhỏ bé của chúng tôi.

***

Nhiều người hỏi rằng cha có bao giờ yêu chưa? Tôi trả lời không những yêu mà còn yêu nhiều, yêu tha thiết, yêu nồng cháy, đã yêu, đang yêu và mãi yêu. Đã mang trong mình con tim của phận người, ai mà chẳng biết yêu. Bởi trời ban trái tim, để yêu, yêu mãi không bao giờ ngừng.  Vì tim sẽ đứng khi yêu chẳng còn. Ôi trái tim chỉ biết yêu người!

***

Nhưng có lẽ tình yêu của tôi hay của bất kỳ thằng đàn ông nào đã lỡ bị đánh động bởi thứ tình yêu mang tên Giê-su đều mau chóng nhận ra rằng tình yêu đó không thể giới hạn nơi bất kỳ một bóng dáng nào nữa.

Vẫn biết là thế, và cho dầu quyết tâm khấn hứa dành trọn tâm hồn và thân xác này cho một mình Thiên Chúa, nhưng tôi vẫn chỉ là con người, vẫn muốn yêu và được yêu, vẫn có những thổn thức của con tim…

***

Thế nhưng càng đắm mình trong Chúa, nhất là để linh hồn và thân xác mình chìm ngập trong Thánh Thể Chúa, tôi càng nhận ra rằng, không có thứ tình yêu trần thế nào có thể khỏa lấp được lòng tham của con người, không có thứ tình yêu đôi lứa nào có thể đưa tôi đến được bến bờ của hạnh phúc…, ngoại trừ tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí Tích Thánh Thể.

***

Thế nên, chiều nay bỗng nhớ đến em. Nhưng dường như tôi quên mất bóng dáng em rồi, quên mất gương mặt và ánh mắt em rồi…, quên rồi cảm xúc lâng lâng khi kề cận bên em, quên rồi quá khứ của tình yêu ban đầu…

***

Em ra đi mãi thật rồi, hòa vào dòng người, lẫn vào tất cả các khuôn mặt, nhập nhòa trong nhiều bòng dáng. Để rồi mỗi khi thi hành mục vụ, tiếp xúc với bất cứ ai, già hay trẻ, trai hay gái…tôi luôn nhận ra đó chính là em. Để rồi lao tới, ôm lấy những khổ đau buồn vui của muôn người. Để rồi con tim này hòa với con tim của Giê-su. Để rồi cứ mãi thổn thức. Để rồi con tim ấy dường như không còn đập cho chính mình nữa mà cho bất kỳ một ai mà Chúa đã gửi đến cho tôi.

***

Cám ơn em, vì đã cho tôi biết thế nào yêu và được yêu. Khởi đi từ tình yêu của em và chỉ dành cho em mà tôi đã học được thế nào là tình yêu đích thực. Một thứ tình yêu không giới hạn ở hai người nhưng mở ra cho muôn người.

Vì thế, chiều nay bỗng nhớ em, nhưng…
Dẫu có nuối tiếc cũng đã xa nhau,
Nên cầu mong đời nhau sẽ được bình an,
Dù vẫn nhớ thương nhau, vẫn ngóng trông nhau suốt đời.
Dẫu có nhức nhối rét mướt con tim nhưng đời ta tựa như chiếc lá mà thôi.

Đời đưa ta nổi trôi, định mệnh không đổi thay em hỡi!

Lm. Mar Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

TÙY BÚT ĐIỀU ƯỚC CỦA CON!


TÙY BÚT

ĐIỀU ƯỚC CỦA CON!

Hiếm lắm mới thấy ba cười. Chẳng phải vì ba không biết cười cho bằng nỗi lo, tình thương dành cho những đứa con dường như đã mang đi nụ cười của ba.

***

“Sống tuổi đời trong ngoài bảy chục
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn là gian lao khốn khổ…” (Tv 90, 10)

Có lẽ lời Thánh vịnh được viết từ ngàn đời như tiên báo cuộc đời của ba. Phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ. Bao nhiêu nỗi cực khổ hằn sâu lên khuôn mặt chai sạm của ba. Nỗi cơ cực và lo toan vì con cái cũng khiến ba trở thành một người nghiêm khắc và hay la rầy chúng tôi. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà tôi chưa bao giờ dám nói chuyện gì với ba. Tôi còn nhớ, ngày đi tu, buộc phải có chữ ký của cha mẹ, tôi không dám nói với ba nên đã lén giả mạo ký tên thay cho ba. Rồi mọi thứ, từ học hành, tương lai, ước mơ cũng chưa một lần tôi tham khảo ý kiến của ba, chưa một lần tôi tâm sự với ba. Ngày tôi đi tu, nghe các em nói “ba giận quá, từ anh luôn rồi”, tôi cũng chẳng màng…chỉ mong sao thời gian qua thật mau để tôi có thể chứng minh cho ba thấy tôi chọn lựa đi tu là đúng.

***

Có lần tôi hỏi ba về chuyện ngày xưa, chuyện thời trai trẻ của ba…ba cười, rồi nói…khi nào con rảnh con về đây, ngủ với ba một đêm, ba sẽ kể con nghe…Tự hỏi lòng, đã bao lâu rồi tôi không ngủ với ba, không được gác đầu lên tay ba, không được ba mân mê đôi bàn tay và bàn chân bé nhỏ…đã bao lâu rồi tôi không ngủ ở nhà, dù chỉ là một đêm…

***

Chịu chức phó tế chưa được bao lâu, tôi được tin ba đổ bệnh nặng, phải đi bệnh viện cấp cứu. Kết quả quá đỗi bất ngờ với cả gia đình tôi. Căn bệnh ung thư đã di căn qua nhiều bộ phận khác. Tất cả chỉ còn mong một phép lạ xảy ra.

***

Cả gia đình chúng tôi rơi vào trạng thái chơi vơi. Thế nhưng, trong cơn đau đớn tột cùng của bệnh tật, ba luôn là người khuyên nhủ anh em chúng tôi phải biết tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa. Dẫu biết là thế, nhưng trong tôi vẫn còn một nỗi sợ hãi. Sợ rằng ngày tôi chịu chức, chỉ còn một mình mẹ bước lên gian cung thánh trao áo Tân Linh Mục cho tôi. Sợ rằng, ngày tôi chịu chức, ba không còn bên cạnh để tôi có thể chứng minh cho ba rằng, tôi đi tu là đúng.

***

Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi và quý cha về nhà để dâng lễ giỗ cho ông. Đó không còn là ngày giỗ, nhưng là ngày họp mặt, ngày hạnh phúc của ba.

Ba đã cười, dù chỉ là nụ cười rất nhỏ…

Nụ cười nói lên tất cả, nụ cười của ba cho tôi biết ba đã rất hãnh diện về đứa con trai của ba, về những đứa con của ba. Dù tôi không ở nhà để có thể chăm lo cho ba, nhưng mỗi ngày, khi dâng Thánh lễ, trong mỗi giờ chầu tôi luôn dâng cả ba má cho Thiên Chúa…Với tôi đó mới là “chữ hiếu” trọn vẹn nhất!

***
Dẫu biết rằng “Thất thập cổ lai hy”. Dẫu biết rằng thân phận con người là sinh – lão – bệnh – tử. Dẫu biết rằng mình phải theo thánh ý Thiên Chúa. Nhưng nếu có được một điều ước, xin được ước rằng: Ngày con chịu chức, con vẫn còn có ba bên cạnh.

Lm. Mar -Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Tùy bút TÔI ĐI XƯNG TỘI





Tùy bút
TÔI ĐI XƯNG TỘI
-------------//--------------

Tôi vẫn thường hay đi xưng tội với cha linh hướng hằng tháng, tiện thể xin ngài cho một vài lời khuyên trong công việc mục vụ. Nhưng bữa nay tự dưng nổi hứng muốn trải nghiệm như một giáo dân bình thường, nên quyết định đi xưng tội chung với cộng đoàn giáo dân.

Vì là vào những ngày cuối Mùa Vọng, khi đến nơi xưng tội mới hơn 9g sáng, nhưng đã có 6 hàng dọc xếp sẵn chờ ở tòa giải tội, mà chỉ có một cha giải tội mà thôi. Mọi người lần lượt vào xưng tội trong im lặng. Cha giải tội khá nhanh, một người chưa tới vài phút. Lặng lẽ, tôi vào xếp hàng.

Gần tới phiên tôi, thì bỗng có một phụ nữ bước vào xưng trước. Chuyện chẳng có gì để nói nếu chị cũng xưng như bao người trước đó. Như chị lại xưng rất to tiếng và khá lâu, lại còn khóc thì phải. Không khí im lặng bắt đầu trở nên ồn ảo bởi những tiếng thở dài ngao ngán. Và sự kiên nhẫn cũng có hạn, một người trong đám đông lên tiếng: “Xưng gì mà lâu thế, sốt cả ruột!”; người khác được dịp thêm vào: “chắc tội nhiều lắm đây!”; giọng một người đàn ông tiếp lời:“xưng tội thì người ta xưng vắn tắt thôi, xưng dài dòng mất thời giờ quá đi!”.

Cuối cùng người phụ nữ cũng xưng xong. Đám đông thở phào nhẹ nhõm. Một người lên tiếng có vẻ khinh thường:“Nhẹ cả người! Mới nãy vô thấy đi lom khom vì tội nhiều giờ đi thẳng người.”

Sự việc tưởng chừng kết thúc ở đó, nhưng chị ta vừa xưng tội xong thì cha giải tội đưa tấm bảng lên với dòng chữ: TẠM NGHỈ 15 PHÚT!

Đám đông tiếp tục ồn ào, thở dài thườn thượt  và lại có một người lên tiếng:“Cũng tại con mẹ đó xưng lâu!”. Rồi không ai bảo ai, mỗi người lấy điện thoại ra và lướt mạng, xem tin tức…

Tôi chợt nghĩ, nhiều người xưng rất nhiều tội, nhưng có lẽ một cái tội gây ra hậu quả nặng nề, có khi giết chết người khác, mà người ta lại ít khi nghĩ đó là tội, ít khi nào xưng. Đó là tội xét đoán.

Vâng! Biết người phụ nữ ấy như thế nào? Đang có nỗi niềm gì? Đang phải trải qua những nỗi khổ đâu, dày vò tâm hồn ra sao? Chỉ có cha giải tội và chị ấy biết. Vậy mà người ta, dù cũng mang thân phận tội nhân, dù rằng vẫn đứng xếp hàng để xin ơn tha thứ, lại lên án một người khác vô tội vạ đến như thế. Đã từng ngồi tòa giải tội, tôi biết rằng, đôi khi một vài phút là quá ngắn để có thể an ủi một linh hồn đang chết dần chết mòn vì tội và lỗi lầm của mình. Vì thế, xin đừng xét đoán người khác, vì chỉ có một Đấng mới có quyền xét đoán. Đấng ấy là chính Thiên Chúa.

Không biết mọi người thế nào, chứ tôi sợ nhất và hồi hộp nhất là đi xưng tội.

Dù rằng vẫn luôn ý thức rằng Chúa nhân lành vô cùng, dù tội nhỏ to gì cũng được tha hết, miễn là mình xét mình kỹ lưỡng và ăn năn dốc lòng chừa. Thế nhưng, khổ nỗi, đã ngại muốn chết vì phải xưng những tội tế nhị, vậy mà nhiều cha lại còn hét toáng lên như thể trời long đất lở. Những lúc như thế, vừa quê tái mặt, vừa giận tím tai…Tự hứa với lòng, sau này làm cha sẽ không bao giờ to tiếng với tội nhân.


Sau khi trở thành linh mục, tôi rất thông cảm với các cha ngồi tòa giải tội, nhiều lúc rất mệt mỏi, có khi bực mình cáu gắt vì nhiều người chẳng xưng tội mình mà cứ kể tội người khác, hoặc phạm những tội rất nặng mà lương tâm chai lỳ chẳng chút lay động, lại còn tìm cách biện minh chống chế cho những sai trái tội lỗi của mình…

Bằng lòng là các cha không nên to tiếng với hối nhân, nhưng nói đi cũng phải nói lại, liệu rằng nhiều người có XÉT MÌNH CẨN THẬN, DỐC LÒNG ĂN NĂN TỘI, và QUYẾT TÂM CHỪA TỘI trước khi bước vào tòa xưng tội hay chưa? Hay chỉ xưng tội qua loa, tội gì con cũng phạm khi ít khi nhiều; hay xưng tội cho an lòng, cho đúng luật buộc?

Để rồi, rời khỏi tòa giải tội vẫn chứng nào tật ấy. Để rồi vô tình, việc xưng tội không giúp chúng ta thay đổi mà còn là cớ để chúng ta chai lì trong tội. Để rồi, dù trong thân phận tội nhân đang xếp hàng để xin ơn tha thứ, mà vẫn không nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa lại chỉ trỏ, to nhỏ đoán xét người khác…


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Tùy bút CHIẾC ÁO DÒNG


Tùy bút

CHIẾC ÁO DÒNG
---//---

Còn nhớ những ngày đầu mới tập tu, tôi với một anh em đi chợ mua vải may quần áo để vào Dòng. Cô chủ tiệm vải vừa sau một hồi nói chuyện qua lại, mạnh dạn hỏi chúng tôi:
-        Nhìn giống mấy thầy quá, có phải mấy thầy tập tu không?
-        Dạ! mà sao cô biết? - Hai chúng tôi nhìn nhau, rồi ấp úng.
-        Nhìn mấy thầy là biết liền à…
Dĩ nhiên, sau khi xác nhận là thầy tập tu, chúng tôi được giảm giá cách đặc biệt mà không cần phải mặc cả.

Ngày đó, khi mới tu, sao tôi ao ước được mặc Áo Dòng, nhìn nó thật đẹp. Mặc Áo Dòng vào nhìn thánh thiện hẳn ra. Vậy mới ra thầy chứ! Rồi chợt nghĩ: “Giá mà Giáo hội cho phép được mặc Áo Dòng suốt cả ngày như ngày xưa thì hay nhỉ. Vì nhìn cái áo thì ai cũng biết mình là thầy, biết mình là tu sĩ.”

Ấy vậy mà, từ trước đến giờ, có bao giờ tôi mặc Áo Dòng ra đường đâu mà vẫn bị người ta phát hiện ra là thầy tu. Rồi có lần, và nhiều lần như thế, tôi cố tình ăn mặc thật mô đen để xem người ta có nhận ra mình là thầy hay không. Cũng bị phát hiện.
Hỏi mới biết, nhiều người nói rằng nhìn mặt mấy người đi tu biết liền, thì nó khờ khờ…Tôi nghĩ bụng: “Nhìn mặt ngu ngu thì có”…Rồi tự cười với mình.

Bữa nay có dịp đi từ Hà Nội về Sài Gòn, tôi đang xếp hàng để vào cửa hải quan, thì nghe ồn ào phía sau. Tiếng ai đó chào thầy. Bất chợt tôi quay lại. Thì ra người ta chào một thầy, nhưng không phải thầy Dòng mà là thầy Chùa. Nhìn là biết thầy, bởi thầy mặc tu phục áo chùm nâu vàng. Cùng đi với thầy là hai người khác, cũng mặc áo vải nâu. Nhiều người to nhỏ:
-        Thầy trễ giờ thì cứ vô trước.
-        Trời ơi, 4g bay mà bây giờ 4g kém 15 rồi. – giọng một người khác thêm vào.
Nghe thấy thế, thầy và hai người còn lại chui qua hàng rào trước sự ngỡ ngàng của bao người xếp hàng khác. Tôi cũng không thấy khó chịu vì dù sao cũng ưu tiên vì thầy đã trễ giờ. Tôi nghĩ mọi người cũng thế. Thông cảm và ưu tiên cho thầy.

Vì người xếp hàng thì đông, mà thầy lại mang vác ba lô tay xách nách mang nặng nề, nên khi chui qua mấy cái dây hàng rào vướng vào ba lô vô tình làm đứt dây, đổ luôn cái cột. Mọi người né qua một bên để thầy lên trước. Cuối cùng thầy và hai người còn lại cũng đến được trước mặt nhân viên hải quan.
Cô nhân viên hải quan trợn trừng mắt nhìn thầy và hai người tùy tùng, thật bất ngờ cô nói thẳng thừng và đuổi ba người xuống.
-        Xuống dưới! Có biết xếp hành không vậy. Ai cũng phải xếp hàng mà. Trễ giờ thì ráng chịu, người ta đã thông báo đúng giờ. Lui xuống, xếp hàng đi…Giọng cô nhân viên hải quan không chút cảm xúc.
Ba người lủi thủi quay về vạch xuất phát trước những ánh mắt ái ngại của biết bao người.

Tôi quan sát sự việc từ đầu đến cuối. Và cảm thầy quê dùm cho thầy. Thấy tội thầy làm sao đó.

Bỗng dưng tôi tự nghĩ: Ừ ha, hên là mình không mặc Áo Dòng. Mình mà mặc Áo Dòng mà bị như vậy chắc quê mà chết mất…
Rồi cười thầm…Làm gì có người quê mà chết bao giờ!

Bỗng thấy chiếc Áo Dòng đẹp hơn bao giờ hết. Nó không phải là trang phục như những quần áo khác. Nó không thể được mặc để đến những nơi công cộng. Khoác lấy Áo Dòng là khoác lấy Đức Ki-tô. Trang trọng vậy đấy! Thế nên làm sao mình lại có thể mặc nó đến những chỗ không xứng hợp cho được?
Tôi nghĩ thế, rồi tự tin kéo va ly qua cổng hải quan…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
(P/s: Bài viết chỉ là một cảm xúc cá nhân trước một sự kiện, không có ý nói xấu hoặc lên án cá nhân hay tập thể nào.)



Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Truyện ngắn MÁ CHỜ THẰNG BA NÓ VỀ!


… mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi…đếm bao nhiêu lá mà con chưa về…Con chưa về không phải con không thương má! con chưa về vì lý do gì…Con cũng không thể nói thành lời cho má hiểu…

Truyện ngắn

MÁ CHỜ THẰNG BA NÓ VỀ!
---//---

Má bệnh.
Con Út gọi điện cho thằng Ba, nói anh về thăm má. Má chờ!

***

Khổ! Đang thi học kỳ hai, kết thúc năm thần IV, lại còn bận bịu nghiên cứu làm luận văn ra trường nữa chứ, khi không má lại bệnh  - Nghĩ bụng vậy thôi chứ thằng Ba cũng nóng ruột nóng gan, ráng thu xếp công việc, xin cha bề trên rồi đón xe về dười quê thăm má.

Tối thứ bảy lên xe nằm, sớm mơ về tới dưới. Thăm má được ngày chúa nhật, tối lại lên xe trở lên Sài Gòn. Chỉ kịp biết má bị đau bụng dữ dội. Má đi khám, mấy bác sĩ dưới này nói nghi có khối u trong bụng gì đó. Thì biết vậy thôi. Mà chắc má ăn gì sình bụng, hay uống ba cái nước mưa dưới này đau bụng đi cầu, tiêu chảy gì thôi. Với lại, bác sĩ dưới này khám không chính xác – Thằng Ba tự an ủi mình chắc má không sao đâu!

Thương má, thì cũng lo, nhưng cũng phải trở về dòng đặng sáng thứ hai thi học kỳ. Không ở lại với má lâu được. Má nói con bận học thì cứ lo việc của con, má không sao đâu.

***

Ở dưới này người bắc đi tu nhiều chứ dân nam mấy ai đi tu như thằng Ba. Ngày xong lớp mười hai, đang yên lành tự dưng nó thủ thỉ với má, nói con đi tu. Tưởng nó giởn chơi, ai dè bữa sau nó gom mấy bộ quần áo bỏ vô cái ba lô, rồi bỏ má, chị Hai với con Út đi cái rụp. Chẳng vấn vương gì.


Thời gian trôi cũng nhanh. Mới đó mà nó đi tu cũng đượn hơn chục năm chứ ít gì. Được cái, thằng Ba nó giỏi, lại khéo, cộng với cái tánh chân chất thật thà nên ai cũng thương, cũng mến. Vào dòng, được các cha cho ăn học, rồi khấn khứa. Mới đó mà giờ nó đã học xong thần IV, thi vài môn kết thúc, rồi nộp cái luận văn ra trường.  Còn vài tháng nữa là nó sẽ được chịu chức linh mục. Nó phấn khởi ra mặt. Đợt này về quê người ta ghẹo ông cố này ông cố nọ, chắc vui lắm đây. Nó cười thầm.

***

Đang phấn khởi vui tươi vì tương lai tươi sáng, khi không má lại bệnh. Về thăm má có một đêm, rồi vội trở lại cho kịp kỳ thi, thằng Ba có kịp hỏi thăm má được nhiều đâu. Chị Hai nói thì má đau bụng dữ lắm. Đi khám, bác sĩ biểu phải nhập viện gấp. Mà nhà mình có tiền đâu cho má nằm viện. Được ba bữa má nói thôi về nhà đi con. Má chịu được mà.

Hôm thằng Ba nó về thăm, má vui hẳn, xem sắc mặt cũng tươi tắn không như người bệnh. Vậy mà hôm sau thằng Ba đi, má lại lên cơn đau dữ dội, rồi xỉu. Lại đưa đi bệnh viện cấp cứu, bác sĩ biểu phải đưa má lên Chợ Rẫy. Chị Hai với con Út khóc bù lu bù loa. Cầu Chúa cho má an mạnh. Thì cũng cầu xin Chúa, mà má có mạnh lại đâu. Bác sĩ trên trển biểu bệnh má giai đoạn cuối rồi. Khối u trong bao tử di căn qua xương và phổi. Cho má về, thích ăn gì, hay có nguyện vọng gì thì chiều má thôi. Má nói mà chỉ chờ thằng Ba…

***

Về nhà ngày nào má cũng nói má chờ thằng Ba. Má nói má nhớ thằng Ba. Nằm trên giường mà má cứ gọi tên thằng Ba. Chị Hai nóng ruột gọi điện nói về gặp má đi, bệnh má nặng rồi.

Thằng Ba về, ngồi bên giường, úp mặt vào ngực má mà khóc. Mới bữa hổm về thăm má còn đầy đặn, bữa nay về thăm má chỉ còn da bọc xương, thân hình xanh xao, hơi thở thoi thóp.
-        Má ơi hổm rày con bận làm bài tốt nghiệp không về thăm mà được. Má ráng dưỡng bệnh, ráng sống, con sắp được làm cha rồi. Má phải sống khỏe đặng còn tổ chức Lễ Tạ Ơn cho con chứ! Má chưa chết được đâu. Khi nào con làm cha, má mới được chết, con sẽ làm lễ an táng cho má. To nhất vùng này luôn đó má…

Vừa nghe đến đó, hai mắt má sáng rực. Đôi môi gượng cười, má nói thì thầm: Má... chờ con! Má xin Chúa cho má một ước nguyện thôi…má cầu xin có thể lo cho con trong ngày con chịu chức rồi có chết má cũng an lòng.

Rồi thằng Ba lại trở về dòng, tiếp tục hoàn tất chương trình học.

***

Bác sĩ chê rồi.
Bệnh nặng vậy sao sống được.
Tôi đoán chắc chưa đầy tháng là bả đi thôi.
Thấy sắc mặt tối rồi…

Mấy người trong hội kẻ liệt nói chuyện với nhau như thế mỗi khi viếng thăm má. Nhưng ai ngờ, Chúa ban ơn cho má cách đặc biệt. Đã gần sáu tháng trôi qua, má vẫn nằm đó, không có dấu hiệu nặng hơn. Ngược lại má ngày càng khỏe lên. Mấy người trong hội kẻ liệt không thăm viếng nữa. Ai cũng mừng. Người ta nói chỉ có ơn Chúa thôi chứ ai mà sống được. Ung thư giai đoạn cuối rồi mà…Thì đó, thằng Ba nó đi tu, sống bên cạnh Chúa, cầu nguyện nhiều, không lẽ Chúa không ban ơn…

***
       
Tưởng Chúa cất má về rồi, ai dè má vẫn cứ sống, vẫn cứ chờ thằng Ba. Tháng sau thằng Ba chịu chức linh mục rồi. Nghe tin má mừng khôn siết. Tự nhiên khỏe lại, đi đứng, ăn uống lại như người bình thường.

Trời đất ơi! Tin được không? Chỉ có ơn Chúa thôi, phép lạ đây chứ còn gì – cô Sáu bên nhà ngạc nhiên thấy bệnh tình của má giảm bớt.

Tao nói kỳ này bà cố mà khỏe lại tao dắt cố lên cha Long làm chứng cho người ta thấy, đó mọi người thấy không! Nhân chứng sống rành rành đây nè…

***

Rồi ngày thằng Ba chịu chức cũng đến. Má tươi tỉnh. Niềm vui tăng lên gấp đôi. Thằng Ba được làm cha, má thì hết bệnh. Ai cũng ngỡ ngàng, cũng mừng. Mừng cho thằng Ba, mừng cho má khỏe lại. Mấy bà hàng xóm thì to nhỏ ghen tị…Ta nói số bà này coi vậy mà sướng. Thì chồng chết hồi bả sanh con Út được ba tháng chứ mấy. Một mình nuôi ba đứa con. Cũng có mấy ông dòm ngói biểu đi thêm bước nữa mà bả có chịu đâu. Ở vậy nuôi con. Lo cho con Hai lấy chồng, giờ bả cũng lo được cho thằng Ba...

***

Sau lễ tạ ơn. Tuy không đình đám ồn ào như người ta nhưng cũng đủ làm náo động từ đầu đến cuối con kênh này. Đi đâu ai cũng biết, cũng kể. Kể chuyện phép lạ bà cố được ơn chữa lành ngày con trai chịu chức linh mục. Còn Tân Linh Mục thì trẻ đẹp, hiền lành, thánh thiện…

***

Sau lễ, đâu cũng lại vào đấy. Thằng Ba phải trở lên Sài Gòn, nhận bài sai rồi bay ra tận miền bắc. Nghe nói giúp cái xứ dân tộc nằm lưng chừng núi, xa lắc xa lơ nơi biên giới…Ngày lễ tạ ơn, thằng Ba khóc rưng rức cám ơn cộng đoàn, tạ ơn Chúa đã ban muôn hồng ân cho nó và cho má. Vậy mà ai ngờ mới về giúp xứ đâu được vài tháng, bề trên lại gọi về.
-        Có người tố cáo cha quen một bé trong ca đoàn…

Thằng Ba nín thinh không nói câu nào. Mãi sau nó lên tiếng:
-        Cha cho con đi tĩnh tâm vài ngày.

***

Nghĩ cũng lạ, mỗi khi có chuyện gì là mấy người đi tu thường xin đi tĩnh tâm, linh thao linh thiếc gì đó. Rồi sau một tuần, gọi là phân định ơn Chúa, rồi người ta bỏ đời tu. Rồi nói tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện, tôi thấy tôi không hợp với ơn gọi… Nghĩ mắc cười! Vợ chồng người ta lấy nhau, thì giảng sang sảng là không được ly dị, rằng phải chung thủy... Trong khi những kẻ đã có thâm niên ăn cơm nhà Chúa, đã khấn hứa thề nguyền, đã trở thành ông cha, bà xơ, đã khóc lóc sướt mướt ngày tạ ơn Tân Linh Mục…rồi chỉ cần một tuần tĩnh tâm là có thể tháo cởi hết mọi quá khứ, sang một trang mới…Thằng Ba cũng không ngoại lệ. Nó nói với cha bề trên.
-        Con sai lầm, và con chịu trách nhiệm…

***

Má lại trở bệnh. Con Út lại gọi điện cho thằng Ba, mà không, cả chị Hai cũng gọi nữa, mà có thấy thằng Ba bắt máy đâu. Thuê bao quý khách hiện không liên lạc được…

Con Út sáng dạ tìm gọi những người quen biết, các cha, các thầy cùng dòng với anh nó, nhưng cũng bặt vô âm tín…

***

-        Má ơi, má ráng uống chút sữa đi, anh Ba đang bận mục vụ nhiều, nên chưa về thăm má được. - Con Út nói với má như thế…

Má nằm trên giường, hai mắt mở thao láo, miệng há to, cổ họng khô…thở từng nhịp, từng nhịp hắt ra…Chị Hai lại hỏi, má chờ thằng Ba hả? Má gật đầu, hai hàng nước mắt chảy dài…Chị Hai nói má ơi thằng Ba đang trên xe về thăm má, má yên tâm nhé, sớm mơ nó về tới…

***

-        Thân phận con người, ai mà thoát được, sinh – lão - bệnh - tử. Thì Chúa đã ban cho bà toại nguyện thấy con trai dâng lễ còn gì.

Mấy người trong hội kẻ liệt lại có chuyện để kể, để bàn, để nói ra nói vào, để xì xầm to nhỏ… Kể về sự hy sinh và mong mỏi của má…kể về thằng Ba, làm cho con nhỏ có bầu, nó mới mười mấy tuổi chứ mấy…Thằng đó còn mặt mũi nào mà về nữa. Nghe nói nó bỏ dòng đi biệt tăm biệt tích hổm rày rồi… Để xem má nó chết, nó có dám vác cái bản mặt về đây không?

***

Điện thoại reo!
-        Dạ con mời cha đến xức dầu cho má con. Má con đang cơn hấp hối.

Tôi vội vàng cầm sách và dầu thánh đến nhà bà. Vừa nhìn thấy tôi, chị Hai kéo tay, rồi ra dấu biểu tôi ngồn bên cạnh giường bà cụ. Hai mặt bà trợn trừng, miệng há to, hơi thở thoi thóp, thân hình chỉ còn da bọc xương…Tôi ngồi kế bên rồi nắm lấy tay bà. Chị Hai nói lớn:

-        Má ơi! Thấy chưa, con nói rồi, thằng Ba nó về rồi nè. Hổm rày nó bận việc nhà xứ, chưa về kịp. Nó về với má rồi đó. Nó đang cầm tay má. Má nhận ra chưa? Bữa nó hứa nó sẽ dâng lễ đám tang cho má mà. Má yên tâm chưa?

Chị Hai ra hiệu cho tôi nói một câu cho bà cụ tin. Tôi ngồi lên giường, úp mặt lên ngực bà cụ rồi nói:
-        Con xin lỗi má, con đã để má mong!

Nói vậy mà sao tự nhiên nước mắt tôi rơi. Bà cụ cảm nhận giọt nước mắt nóng ấm, cố ra sức lấy tay rờ lên mặt tôi…Tôi nghẹn ngào:
-        Má ơi, con về với má rồi nè, má yên lòng đi nhé. Chúa sẽ đón má về Thiên đàng…Con sẽ dâng lễ cho má.

Vừa nghe thế, bà cụ nhắm mắt lại, hai hàng nước mắt chảy dài trên má…

Thế nhưng khi làm phép xức dầu, bỗng bà cụ lại mở mắt trợn trừng …Rồi sau khi rước Của Ăn Đàng, bà cụ thở hắt ra rồi trút hơi thở cuối cùng…Hai mắt vẫn cứ thao láo nhìn lên trần nhà…lỗ mũi chảy máu…Chị Hai và con Út vuốt mãi mà không chịu nhắm lại…Chị Hai và con Út cứ ôm má mà khóc, mà than, mà kêu la…Anh Ba ơi sao anh không về nhìn mặt má lần cuối…

Chắc có lẽ bà biết tôi nói dối bà. Chắc có lẽ bà biết tôi không phải là con trai của bà…Chắc có lẽ bà vẫn mở mắt để chờ thằng Ba nó về…về để vuốt mắt cho má… về để làm lễ đám tang cho má…Chắc có lẽ thằng Ba nó không về là có lý do của nó…Lý do gì thì ai mà biết được…chỉ có Chúa mới biết mà thôi!

***

Chạy xe trở về nhà xứ, bất chợt tôi nhìn lên trời. Ôi trời đêm nay đầy sao! Và tôi thấy có một ngôi sao thật sáng…cầu cho linh hồn bà cụ về Thiên đàng…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
  

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Truyện ngắn TAO SẼ TIẾP NỐI GIẤC MƠ CÒN DANG DỞ CỦA MÀY!


Truyện ngắn
TAO SẼ TIẾP NỐI GIẤC MƠ CÒN DANG DỞ CỦA MÀY!
-----//-----

Nhà tôi và nhà nó gần nhau. Chúng tôi chơi chung với nhau từ bé. Từ cái ngày người ta thường hay nói “cởi truồng tắm mưa”. Lớn lên một chút, chúng tôi học chung một trường làng. Cái trường nghèo xác nghèo xơ, chỉ có bốn phòng học với bàn ghế cũ kỹ. Ấy vậy mà chúng tôi lại học ở đó đến năm năm cấp tiểu học. Ngày ngày mỗi khi tan trường, chúng tôi và một vài đứa khác thường vào sân nhà thờ chơi trốn tìm, rượt bắt và đủ mọi trò chơi khác dưới gốc cây me tây. Chiều chiều lại rủ nhau đi lễ. Có bữa ham chơi, hai đứa trốn lễ, giữa đường bị phát hiện, về nhà mẹ tôi bắt quỳ gối, còn nó thì bị cha cho ăn đòn. Nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn thuộc diện những đứa ngoan và siêng đi lễ nhất, nên nghiễm nhiên được cha xứ gọi vào ban lễ sinh. Hai đứa vui lắm.

Nhớ ngày được Rước Lễ Lần Đầu, tôi vinh dự được đọc sách thánh. Mà bữa đó xui thế  nào, do vui quá, tôi chạy nhảy rách luôn cái đũng quần, nguyên một cái quần đùi xanh lét lòi ra ngoài. Nhìn ánh mắt tha thiết và tội nghiệp của tôi, thế là nó kéo tôi chui qua trường học, và chúng tôi đổi quần cho nhau. Nó nói: “Mày mặc quần tao mà đọc sách, tao ngồi dưới, mặc quần rách chắc không ai biết!” Vậy mà nó cũng bị tụi bạn phát hiện ra mặc quần rách đít. Thế là cả đám trêu ghẹo. Nó đỏ mặt, tím tái…

***

Thế đấy, tuổi thơ chúng tôi êm đềm vui vẻ. Nó là anh hùng của tôi. Nhiều khi đi học bị tụi ban ăn hiếp, nó luôn là người đứng ra bảo vệ tôi. Những khi tôi bệnh không đi học, nó chép bài giùm, còn xin phép cho tôi…Rồi thời gian trôi qua, chúng tôi lớn lên, giúp lễ chung, tham gia Giáo lý viên chung, vẫn học chung một trường, rồi chung một lớp, hết cấp hai lại qua cấp ba, rồi đến đại học.
Cuộc sống đang êm đềm tốt đẹp bỗng một ngày nó thủ thỉ với tôi:
-        Mày, chắc tao đi tu quá!
-        Mày điên hả? – tôi hỏi lại.
-        Thì tự nhiên tao muốn vậy! Tao ước mơ trở thành một linh mục để phụng sự Chúa và để giúp ích cho nhiều người.
-        Trời đất quỷ thần! Thằng này điên rồi. Mày mà đi tu được tao cùi…cùi sứt móng luôn.

Vậy đấy, tưởng nó giởn chơi, ai dè nó đi tu thật.

Từ ngày nó đi, đời sống của tui trở nên tẻ nhạt. Nhiều khi buồn vì tương lai chưa có, sự nghiệp thiếu ổn định, tôi uống rượu một mình mà lòng nhớ thằng bạn chí cốt tha thiết. Thế là trong một thoáng chốc nào đó, tôi chợt nghĩ, hay là mình đi tu? Làm linh mục cũng hay!
Gọi điện cho nó, rồi hẹn ngày lên nhà Dòng, tôi háo hức lắm. Thế là tôi đi tu, đơn giản thế thôi.

***

        Thế là chúng tôi được nhận vào, được đào tạo, rồi được tuyên khấn. Ai đó nói đi tu khó lắm. Rằng Chúa gọi thì nhiều mà chọn lại ít, nhưng với tôi thấy dễ ẹc. Có thấy khó gì đâu! Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ thiếu chín chắn và rất hời hợt của thời gian đầu đi tu. Ngày càng dấn thân, ngày càng bước theo Chúa, tôi nhận ra việc theo đuổi ơn gọi khó khăn khó biết chừng nào. Nó không phải là một cảm xúc tức thời, thích thì đi, nhưng nó phải quyết định bằng lý trí, bằng tất cả sự tự do muốn tận hiến đời mình cho Chúa, qua sự từ bỏ chính mình cách trọn vẹn. Đời tu không ai có thể biết trước được tương lai của mình. Biết bao nhiêu khó khăn thử thách luôn chực chờ trước mắt. Nhiều khi ngủ thức giấc, mở mắt ra thấy mình vẫn còn trong nhà Dòng đã là hạnh phúc rồi.

***

Hai chúng tôi vẫn thân thiết như ngày còn ở quê. Nó giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Mà phải công nhận cái thằng giỏi thiệt. Cái gì nó cũng biết, tháo vát, nhanh nhẹn…còn tôi thì chẳng biết làm gì ngoài ăn với học. Đến chơi thể thao cũng chưa bao giờ nếm được mùi chiến thắng. Nhưng có lẽ cái tôi nể nhất là khả năng học của nó. Nó học nhanh khỏi nói. Tôi dành cả tuần để đọc sách hay làm một bài, suy nghĩ nát cả óc, vậy mà nó chỉ cần vài tiếng đồng hồ là học xong một bài thật dài hoặc đã cho ra đời những bài viết sâu sắc. Vì thế, nghiễm nhiên nó được chọn một trong hai suất học bổng du học bên Mỹ. Trời ơi! Khi nghe tin tôi ghen tị lắm chứ. Nó cũng là bạn mình. Hai đứa đi tu, mà sao cái gì nó cũng hơn mình hết. Nghĩ mà tủi thân…

***

Rồi đêm đêm, phòng nó luôn sáng đèn đến khuya. Nhiều khi bất chợt thức giấc, thấy bên phòng nó đèn còn sáng, tôi nhìn lên đồng hồ đã hơn hai giờ sáng. Chẳng biết sao, kể từ ngày biết tin được đi du học, nó không còn vô tư vui vẻ như trước. Thay vào đó là áp lực học tập luôn đè nặng. Nghĩ bụng, nó học giỏi như vậy còn điêu đứng, đã học dở còn ham hố. Thế rồi cũng cầu nguyện nhiều cho nó. Nó đi du học, sau này trở về, giúp ích được rất nhiều việc cho nhà Dòng. Thôi thì Chúa ban cho mỗi người mỗi một khả năng khác nhau. Nó thì được ơn ban cho học hành giỏi, mình cũng có những ơn khác đấy thôi. Tôi nghĩ thế để tự an ủi mình.

***

Nhưng đời tu mà, ai biết được tương lai của mình. Nó học giỏi vậy mà thi tiếng Anh mấy lần cũng không đủ số điểm theo yêu cầu của nhà trường bên đó. Nó căng thẳng thấy rõ. Tôi thì vẫn vô tư. Bữa đang chơi thể thao với anh em, bỗng đâu nó từ xa chạy tới, ôm tôi rồi nói: “Tao sợ quá mày ơi! Nãy tao chạy về nhà, mà quên đường trở lại Dòng, tao phải hỏi mãi người ta mới chỉ cho, sợ quá!”. Cái thằng bị khùng hả trời, đường từ nhà Dòng về nhà quê có một đường thẳng tắp, sao mà quên được, cả hai đứa tôi vẫn thường xuyên về mỗi cuối tháng. Nghĩ bụng “thằng này chắc hâm rồi! Học nhiều quá mà!”.

Cũng bắt đầu tư đêm đó, đêm nào khoảng hai ba giờ sáng là nó đi gõ tất cả các của phòng của anh em gọi dây đi lễ. Có bữa, nó vào phòng, đóng cửa cái rầm rồi khóa cửa lại. Được vài phút nó la toáng hoảng loạn: “Ai khóa phòng rồi, ai nhốt tôi vào đây vậy…!” Cứ như thế nó la làng đến khàn cả tiếng, tôi và một vài anh em khác đứng ở ngoài, cố trấn tỉnh nó. Lòng vừa thương vừa hoang mang, không biết thằng bạn chí cột của mình bị gì. Tôi phải nhẹ nhàng trấn an nó, một lúc sau nó bình tĩnh lại thì mới tự mở cửa phòng ra…Và rồi những đêm sau đó, đêm đêm nó phá phách, la hét, chạy nhảy, vui đùa như một đứa trẻ…Cha giám đốc biết chuyện chẳng lành, giao cho tôi nhiệm vụ đưa nó đi bác sĩ tâm lý cũng như bác sĩ thần kinh. Ngày chở nó đến bác sĩ, nó ngồi sau lưng tôi cứ nói lảm nhảm rằng chở tao đi đâu vậy? Mày ơi người ta đi đâu chạy ngoài đường mà đông thế! Tao sợ quá!...Tôi chở nó mà hai hàng nước mắt chảy tràn. Mới hôm qua nó còn vui vẻ mới mình, giờ bỗng chốc trở nên như một đứa trẻ, không kiếm soát được hành vi và lời nói của mình.

***

-        Bênh nhân vì áp lực học tập nên bị căng thẳng trong thời gian dài, cộng với bị mất ngủ, nên bệnh nhân bị stress và đã chuyển qua rối loạn thần kinh, không làm chủ được hành vi và lời nói của mình. Người nhà cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi, uống thuốc đầy đủ, cũng nhưng có sự chăm sóc quan tâm cách đặc biệt – Bác sĩ ân cần dặn dò tôi trước khi ra về.

Nhìn ra ngoài sân, thấy nó đang chạy nhảy như một đứa trẻ, tôi nuốt nước mắt, cổ họng nghẹn ứ. Tôi không thể nghĩ áp lực làm cho con người ta thay đổi nhiều đến như thế.

Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, sau một năm chạy chữa, tuy bệnh tình cũng thuyên giảm nhưng nó quyết định không viết đơn khấn lại. Thì tôn trọng quyết định của nó, nhưng đâu đó tôi vẫn đau và buồn. Nó như là nguồn năng lượng tích cực giúp ích rất nhiều cho đời sống của tôi. Nhưng nếu Chúa gọi mà không chọn thì làm sao có thể cảm lại ý Chúa được.

***

Ngày chia tay nó cười thật tươi nói: “Đời tu không đơn giản và dễ dàng như chúng ta đã dệt mộng, tao giờ bệnh tật, không thể tiếp tục ơn gọi, vì thế mày tiếp nối ước mơ còn dang dở của tao nhé!” Tôi nắm chặt tay nó không nói nên lời, chỉ gật đầu. Nó biết tôi nghẹn ngào, không nhìn vào mắt tôi nó lại nói: “Thì tao về, đi làm, tao kiếm tiền rồi sau này mày làm cha tao sẽ giúp mày…” Nó nói xong rồi cười thật to. Nhưng tôi thấy có nước trong khóe mắt.

 Thế là chúng tôi chia tay nhau. Tôi tiếp tục học tập và tu luyện, nó trở về cuộc sống bình thường như những người khác.

***

-        Ân bị đụng xe chết rồi! Em biết chưa? Gia đình mới báo cho anh, nhờ anh em mình cầu nguyện. – Cha bề trên báo như thế, tôi  bần thần cả người không tin là sự thật.

Xin cha bề trên rồi chạy ngay về nhà nó. Mọi người ngỡ ngàng, tôi cũng ngỡ ngàng. Một chiếc công-tai-nơ mất thắng đã húc thẳng vào xe nó đang đậu ở lề đường. Tôi chỉ dám nghe đến đó thôi, rồi bịt tai đi chỗ khác. Lòng tan nát. Dự đám tang của nó, anh em trong dòng đến đông đủ, tôi không dám nhìn ảnh của nó, tôi sợ…Bởi ở đó có cả ước mơ của chúng tôi.

***

Rồi thời gian cũng qua! Tôi tiếp tục lao vào học tập và tu luyện. Thế rồi bề trên cũng chấp nhận đơn xin chịu chức linh mục của tôi. Chỉ hai tháng nữa thôi, ước mơ lớn nhất trong cuộc đời sẽ trở thành hiện thực. Vậy là mười mấy năm cố gắng nỗ lực mỗi ngày, cuối cùng cũng sinh hoa kết trái. Tôi vui mừng khôn siết.

***

 Tôi vẫn nhớ như in ngày đi mời thiệp chịu chức linh mục. Đến nhà nó tôi khựng lại, không biết có nên mời hay không, dù rằng thiệp đã ghi và cầm sẵn trên tay. Không biết tin vui của tôi có khơi lại nổi đau mất mát quá lớn mà gia đình nó đã cố quên đi bao nhiêu năm nay. Đưa thiệp mời mẹ của nó mà tôi không biết phải mở lời như thế nào. Mới hôm nào nó còn sống, còn tu, chúng tôi hay về nhà nhau rồi ôi thôi bà cố này bà có nọ, vui vẻ cười nói.  Bữa nay con trai từ giã đời tu, không còn sống trên cõi đời này nữa, tôi không biết gọi mẹ nó như thế nào: Bằng bà cố? bằng bác, bằng cô…hay bằng mẹ? Đưa thiệp mời mà tôi không nói được một câu. Nước mắt trực tràn, cổ họng nghẹn ứ…

Vừa nhìn thấy tôi, mẹ nó đã khóc, tôi cũng khóc theo…

***

Mời thiệp hết tất cả mọi người thân quen họ hàng, tôi lặng lẽ cầm tấm thiệp truyền chức cuối cùng ra nghĩa trang, tìm đến mộ nó, đặt tấm thiệp lên bia mộ rồi nói:
-        Thằng mất dậy! Tại sao mày dụ tao đi tu giờ mày bỏ tao giữa chừng. Cái thằng! Bạn thân mà sao mày chơi đểu vậy…Mày đã dựng lên trong đầu tao biết bao nhiêu điều tươi đẹp, rằng chúng ta sẽ đi truyền giáo cho dân tộc, rằng chúng ta sẽ dâng lễ tạ ơn, đứa này chủ tế thì đứa kia giảng lễ cho người ta sốc chơi… Giờ mày bỏ tao giữa chừng vậy hả? Tao được chịu chức rồi nè! Đây là thiệp mời, tự tao thiết kế hết đó, mày thấy đẹp không?

Thắp ba nén hương, khói nghi ngút bay, có phải khói làm tôi cay mắt, hay bụi bẩn bay vào mà mắt tôi ngấn nước…Tôi hét lên thật lớn, cố đẩy cơn nghẹn nấc trong cổ họng ra:

-        Ân ơi! Mày có biết tao nhớ mày lắm không?
TAO SẼ TIẾP NỐI GIẤC MƠ CÒN DANG DỞ CỦA MÀY!

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS





       








Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

CHIỀU NAY CŨNG CÓ NHỮNG KẺ CỞI ÁO RA VỀ!


Tùy bút


CHIỀU NAY CŨNG CÓ NHỮNG KẺ CỞI ÁO RA VỀ!

Tôi vẫn nhớ như in ngày đi mời thiệp chịu chức linh mục. Khi mời bà cố, mà không, trước kia thôi, của một anh em, người từng chung sống với tôi hơn mười năm trường. Đưa thiệp mời mà không biết mở lời như thế nào. Mới hôm qua thôi còn gọi bà cố vui vẻ cười nói, bữa nay con trai từ giã đời tu, tôi không biết gọi như thế nào. Đưa thiệp mời mà tôi không nói được một câu. Nước mắt trực tràn, cổ họng nghẹn ứ…

Khởi đầu vào, lớp tôi có tất cả 12 anh em. Sau một năm sống thử, hai anh em ra về vì không hợp với đời tu. Hai anh em khác phải ở lại một năm thử thách. Còn lại tám anh em vào nhà tập. Đến khi khấn đầu còn lại bảy anh em. Một anh em chia tay để chuyển qua giáo phận.

Thời gian đầu, mỗi khi chia tay anh em nào đó tôi đã khóc thật nhiều. Biết bao nhiêu kỷ niệm khi cùng sống chung, cùng lý tưởng, cùng một ước mơ. Nhưng Chúa gọi thì nhiều mà chọn đâu có bao nhiêu. Người ta hay đổi thừa cho Chúa như thế.

Sau khi khấn đầu, tôi vào học viện bắt đầu thời gian dài với bài vở đèn sách. Anh em vẫn bên cạnh, vẫn sống chung, vẫn học hành, vẫn cầu nguyện, vẫn đá bóng, vẫn cãi nhau như cơm bữa…ấy vậy mà cứ rơi rụng dần, rơi rụng dần. Chẳng biết khi nào mỗi khi chia tay ai đó tôi đã không còn khóc nữa. Thay vào đó là lời tạ ơn vì người anh em nhận diện rõ ơn kêu gọi của mình. Tự hỏi đã hết nước mắt để khóc hay hết tình hết nghĩa…

Ngày chịu chức phó tế còn có sáu anh em. Những tưởng sẽ hạnh phúc, nào ngờ một anh em không được lãnh chức ngay trong tuần tĩnh tâm. Rồi một năm phó tế, lại thêm một anh em khác phải rời bỏ đời tu. Cuối cùng, chịu chức linh mục còn có bốn anh em.

Có rất nhiều lý do anh em rời bỏ đời tu. Chẳng hạn như không sống cộng đoàn được, không đủ trí tuệ để sống ơn gọi, hay những lầm lỡ bởi tình và tiền đành chia tay đời tu trong luyết tiếc… Nhưng dù lý do nào đi nữa, chưa bao giờ và không bao giờ tôi nghĩ mình xứng đáng sống ơn gọi dâng hiến hơn những người khác.

Anh em lớp tôi thì vui lắm. Cứ hễ hè, tết là về nhà nhau chơi. Xem ba mẹ của anh em khác cũng như ba mẹ của mình. Cũng quý trọng, cũng cảm mến. Nhưng càng cảm mến bao nhiêu thì lại càng đau khổ bấy nhiêu khi con người khác đi tu trọn đích, còn con mình thì gãy gánh giữa chừng. Chẳng có cha mẹ nào muốn con mình dang dở đời tu cả.   

Chiều nay lại nghe tin có những người cởi áo ra về... Bất chợt nhìn vào lịch xem có phải ngày cá tháng tư hay không, vì tôi không dám tin đó là sự thật. Lòng buồn man mác… Buồn vì phải chia tay một người cùng chung lý tưởng bao nhiêu năm nay. Buồn vì dù có thân thiết mấy thì cũng không thể biết lòng dạ anh em đang nghĩ gì? Đang có ước mơ hoài bão gì? Đang có những khó khăn thử thách gì?... Đến nỗi thân thiết với nhau như ruột thịt cũng không thể nói ra nỗi lòng. Thôi thì đành dâng lời cầu nguyện thiết tha đến Chúa. Ước mong sao anh em đừng bao giờ cảm thấy hối tiếc vì những quyết định của mình.

Chiều nay, đang có những kẻ đang cắm cúi làm bài thi để vào nhà Dòng…Chiều nay cũng có những kẻ dứt tâm cởi áo ra về…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS  

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Truyện ngắn KHÔNG TÊN


Truyện ngắn
KHÔNG TÊN
------


Người đàn bà nắm tay thằng bé dắt ra trước mặt vị linh mục, rồi nói:
-        Con vòng tay lại chào cha, mà không chào ba đi con. Kể từ nay, đây chính là ba của con.

Nói chưa dứt lời bà đẩy thằng bé về phía cha Giu-se Minh. Vị linh mục đứng chết trân không nói lời nào. Mà cũng biết nói gì bây giờ. Dù sao cha cũng đã đỡ đầu cho nó, nên phải có trách nhiệm với cuộc đời của nó.

***

-        Minh, bề trên không chấp nhận đơn xin khấn đầu của tao, giờ tao dọn đồ, mai tao về.
-        Mày nói cái gì? – Minh vô cùng ngạc nhiên hỏi lại.
-        Bề trên không cho mày khấn? Cái gì? Sao lại vậy được? Mày là thằng tao thấy mọi thứ đều vượt trội hơn anh em khác. Từ cách sống nề nếp, đạo đức gương mẫu, cho đến học hành giỏi giang, đàn hát đa tài, lại còn cắm hoa nấu ăn giỏi. Tao thấy không có lý do gì mà mày không được chấp nhận trong đời tu. Hay là mày có chuyện gì giấu tao?
-        Không! Tao không giấu mày chuyện gì cả. Bề trên không cho tao khấn, thì có nghĩa là Chúa không chọn tao thôi. Đơn giản mà. Nhưng có chuyện này tao muốn nói với mày…mà thôi, thế nào mày cũng hiểu. – Kiệt ấp úng định nói gì đó, nhưng lại thôi.

Vậy là Kiệt kết thúc đời tu từ buổi tối hôm ấy. Sáng hôm sau dọn đồ ra về, trước khi lên xe, hắn ôm thằng Minh thật chặt, dường như có nước trong ánh mắt. Dù sao hắn và Minh cũng có một thời gian dài đồng hành với nhau. Cả hai đều xuất thân con nhà nông từ hai miền quê khác nhau. Kẻ miền tây, đứa miền trung, nhưng chẳng hiểu lý do nào cả hai lại thân thiết với nhau như anh em. Ra trường, Minh đi tu, thằng Kiệt cũng đi theo. Nó nói thấy đời sống gia đình chán quá. Nhưng đến khi khấn đầu chỉ có thằng Minh là được khấn, còn Kiệt phải ra về. Mà về vì lý do gì chỉ có nó mới biết. Có hỏi, nó cũng chẳng trả lời. Thôi thì mỗi người có quyền giữ bí mật của mình mà, thằng Minh nghĩ thế.

***

Hai tháng sau ngày thằng Kiệt về, Minh nhận được thiệp cưới của hắn. Nghĩ bụng, gì mà cưới nhanh vậy trời? Không lẽ nó làm con người ta có bầu? Mà đang ở nhà tập, lúc nào hai đứa cũng bên nhau, làm sao nó quen người ngoài được? Đúng thật cái thằng này ghê thiệt, quen con người ta hồi nào mà mình không biết luôn. Hèn chi cha bề trên không cho khấn. Minh cầm thiệp cưới trong tay, vừa đi vừa nghĩ thế.

Đám cưới chưa tròn năm, thằng Kiệt đến Dòng xin Minh đỡ đầu cho con của hắn. Dù gì cũng là bạn chí cốt với nhau mà. Được, tao sẽ đỡ đầu cho con mày – Minh trả lời như thế trước lời đề nghị của Kiệt.

***

Rồi kể sau ngày đó, thầy Minh bắt đầu thời gian học tập gian khổ. Ngoài giờ cầu nguyện và lễ lạy, thời gian còn lại thầy lao mình vào với một đống sách vở từ triết đông đến triết tây. Sau khi hoàn tất hai năm triết học, thầy lại tiếp tục với bốn năm thần học. Càng học, thầy càng nhận ra tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa, càng nhận ra thân phận hèn mọn nhưng lại cao quý vì được là hình ảnh của Ngài. Là một tu sĩ sáng dạ, thông minh, vì thế khi vừa chịu chức linh mục xong, chưa được bao lâu cha Giu-se Minh lại tiếp tục hành trình  du học.

Thế nhưng đời đâu mãi êm đềm, cuối cùng thì những ngày sóng gió cũng đến. Sống nơi đất khách quê người, không ai thân quen, cha Minh tìm quên buồn, lang thang trên facebook. Lúc đầu chỉ để chia sẻ Lời Chúa, ừ cũng tốt. Rồi bắt đầu quen biết, giúp tư vấn cho người này người kia, ừ cũng tốt. Nhưng rồi trong trăm ngàn cái tốt ấy, đã có một thứ không tốt, cha quen một người đàn bà. Chưa một lần gặp mặt, nhưng không hiểu vì lý do gì mà mỗi khi nói chuyện với người phụ nữ này, cha luôn tìm được sự an ủi, sẽ chia và thấu hiểu. Dù rằng ý thức mình là một linh mục, nhưng lỡ dành tình cảm cho một người rồi thì khó mà có thể ngăn cho con tim mình khỏi rung động. Cứ như vậy, trong suốt hơn bốn năm trường du học, mỗi khi đêm về, cha nhắn tin qua lại với người phụ nữ ấy.

***

Thời gian du học kết thúc, trở về Việt Nam, cha mau chóng được trọng dụng. Đời tu ngày càng tươi sáng. Nhưng bên cạnh đó, cha luôn day dứt nội tâm vì đã dành tình cảm cho một phàm nhân mà không phải là Thiên Chúa như lời cha đã khấn hứa. Cũng từ khi trở về, cha bắt đầu tìm cách để gặp mặt người tình trên mạng đã hơn bốn năm nay. Sắp xếp mãi mới có thời gian thuận tiện, quán cà-phê nơi góc phố là nơi mà cha và người đó hẹn gặp. Đến từ thật sớm, cha cố ngồi ở một góc ít người chú ý, nhưng cũng đủ dễ người tình có thể nhận ra. Một lát sau, một người đàn bà đội nón lá, mặt che khẩu trang kín bít, lại gần rồi cất tiếng nói:
-        Chào anh Minh, em đây! – Vừa nói người đàn bà lấy ta bỏ cái nón xuống bàn rồi mở khẩu trang ra.
-        Ơ…em đó hả? – giọng cha Minh ú ớ…

Ú ớ là phải, bởi cha không thể nào tưởng tượng nổi người thầm thương trộm nhớ của mình, người tình dấu kín của mình lại là một người có ngoại hình xấu xí đến như thế. Một người đàn bà cao kều, vai ngang như đàn ông, da dẻ xanh xao ốm yếu, gương mặt cực kỳ khó coi với mắt xanh, môi đỏ, cặp chân mày dày đen thui, sóng mũi phẫu thuật nâng cao quá mức làm kéo hai mí mắt sát vào trong, da mặt đánh phấn trắng bạch như xác người chết. Giọng nói cố tình đẩy tông thật cao, nghe the thé như giọng mấy người hát lô tô.
-        Anh không nhận ra em hả? Em là người đã nói chuyện với anh bốn năm qua vào mỗi đêm. Mà làm sao anh có thể nhận ra em được. Bởi chính em cũng không thể tưởng tượng nổi hình hài hiện tại của mình.

Cha Minh mắt tròn xoe, nhìn chằm chằm người đàn bà, không nói lời nào. Đoạn người phụ nữ nói tiếp.

-        Em xin lỗi vì bốn năm qua đã không nói sự thật cho anh. Em xin lỗi vì không những bốn năm nay mà hai chục năm mới đúng. Kể từ cái ngày chúng ta cùng học chung đại học, cùng ngủ chung một giường. Rồi thời gian trôi, anh đi tu, em cũng theo anh. Chẳng phải em muốn dâng mình cho Chúa nhưng em không thể mất anh. Vào sống trong Dòng em luôn phải giấu con người thật của mình. Chỉ cần được ở bên anh là em hạnh phúc rồi. Nhưng Chúa nhân từ, làm sao em có thể che giấu bề trên. Vì thế, đến khi khấn đầu, em đã không được chấp nhận. Trở về nhà, thương nhớ anh tha thiết, càng không chấp nhận bản thân mình, lại còn muốn chứng minh rằng, bề trên đã nhận định sai lầm về em. Nên em đã cưới vợ, chỉ để chứng minh cho anh em trong Dòng rằng em là đàn ông đích thực. Nhưng anh biết không, mình có thể lừa dối mọi người chứ làm sao lừa dối bản thân mình được. Sau khi sinh con, vợ em nhanh chóng nhận ra sự bệnh hoạn biến thái nơi em, nên đã lặng lẽ bỏ đi. Em đưa con về cho mẹ nuôi rồi rày đây mai đó kiếm sống. Càng cô đơn một mình, em càng nhớ đến anh. Bao nhiêu tiền dành dụm được em lấy đi phẫu thuật, nối tóc, nâng mũi rồi làm ngực. Nhưng vì không có đủ tiền, em đến những nơi thiếu an toàn, vì thế ngực em đã bị nhiễm trùng và hoại tử, sức khỏe em xuống cấp trầm trọng vì tiêm hoc-môn không đúng liều lượng. Nhưng anh ơi, được làm đàn bà dù chỉ một ngày em có chết cũng cam lòng.  – Nói đến đó, người đàn bà lau nước mắt.

Cha Minh mồ hôi ướt đẫm mặt mày, và lưng áo. Cha nghe tai mình ù lên như tiến ve sầu kêu mỗi khi chiều về. Không nói được bất kỳ một lời nào, hai môi cứ lắp bắp. Phải thôi, làm sao cha có thể nghĩ ra rằng người đàn bà ngồi trước mặt mình lại là thằng bạn chí cố cùng ăn học, chung sống với nhau biết bao nhiêu năm trường. Làm sao cha có thể chấp nhận yêu một người bán nam bán nữ, phẫu thuật thất bại như người này. Cha cúi gầm mặt xuống đất. Để lại một bầu khí u ám nặng nề vây quanh cả hai. Hai người ngồi đó suốt ba tiếng đồng hồ trong thinh lặng và nước mắt. Cuối cùng, ngước mắt lên cha nói:

-        Xin lỗi vì tôi đã làm cho cô hy vọng trong bốn năm nay. Nhưng tôi đã là linh mục của Chúa, không thể yêu một người khác. Mà nếu có yêu, thì tôi cũng không bao giờ yêu một người nam không ra nam, nữ không ra nữ như cô. Tôi rất xin lỗi. – Nói xong, cha đứng dậy, bước ra khỏi quán.

Người đàn bà cất tiếng khóc thảm thiết như chưa bao giờ được khóc. Khóc một lần này rồi thôi.

***

Nghe tiếng chuông, linh mục Minh vội vã ra tiếp khách. Trước mặt cha là một người đàn bà và một đứa trẻ độ khoảng 10 tuổi. Chưa kịp để cha hỏi, người đàn bà lạ mặt đã lên tiếng.

- Có lẽ cha không biết tôi, nhưng tôi biết cha. Tôi là mẹ của Kiệt, người đã dành trọn một đời yêu cha. Vì muốn trở thành một người đàn bà đích thực, nó đã dại dột đi chuyển đổi giới tính trong âm thầm mà không cho ai hay. Đến khi trở về Việt Nam thì sức khỏe nó quá yếu, trước khi qua đời, nó đã nói tất cả cho tôi, với hy vọng rằng cha sẽ nuôi con cho nó, đứa con mà trước đây cha đã đỡ đầu. Xem như là nguyện vọng cuối đời của nó. - Nói chưa dứt lời, bà đẩy thằng bé lên phía trước.

Linh mục Minh đứng chết trân không biết phải nói gì, rồi sau một hồi suy nghĩ, cha lên tiếng:
- Con rất tiếc vì đã gây ra đau khổ suốt một cuộc đời cho Kiệt. Con đã đỡ đầu cho con của Kiệt, nhưng sau đó Kiệt đã dọn nhà đi và chúng con bặt vô âm tín. Đến nay gặp lại nhau trong tình cảnh như thế này, thật con cũng không biết phải làm gì. Luật đời tu không cho phép nuôi trẻ em. Vì thế con dù rất cảm thông và thương Kiệt, nhưng con không thể. Con xin lỗi bác.
 Hai bà cháu nắm tay nhau bước ra khỏi phòng khách, lặng lẽ đi về phía cuối con đường.
Trời đã về chiều. Màu hoàng hôn nhuộm tím cả khoảng không sân nhà thờ.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS