Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

ÔI TRÁI TIM CHỈ BIẾT YÊU NGƯỜI


Tùy bút

ÔI TRÁI TIM CHỈ BIẾT YÊU NGƯỜI
P/s: Viết để dành tặng cho những ai đang muốn sống đời dâng hiến.


Trời se lạnh. Mưa phùn lất phất. Gió len qua cửa rít lên. Nghe như tiếng cười của em. Bất chợt! Bóng dáng em ùa về trong tâm trí tôi.
Chẳng biết từ khi nào em đã là một phần trong tôi.

***

Không thể nhớ khi nào và ở đâu chúng tôi lại đến với nhau, rồi yêu nhau…Chỉ nhớ những ngày ấy, mỗi khi chúng tôi ở bên nhau, dường như thiên đàng chẳng ở đâu xa. Ở ngay đây, trong ánh mắt sâu thẳm, trong nụ cười của em.
Và chúng tôi đã có những ngày bình yên, hạnh phúc nhất.

***

Thế nhưng một khi biết vui, là khi trái tim thấm thêm nỗi buồn…

Và rồi chúng tôi chia tay nhau từ những ngày bình yên và hạnh phúc đó.
Cũng vào một buổi chiều trời mưa phùn. Tiễn tôi ra đi, em cố níu giòng lệ trong khóe mắt. Tôi bước đi, đầu không ngoảnh lại, dằn lòng mình hãy quên em đi.

***

Thời gian trôi qua, tôi lao mình vào học tập và cầu nguyện, lao mình vào chương trình tu luyện gian khổ, lao mình để bỏ lại một thời yêu thương mộng tưởng… lao mình để sống với ước vọng tưởng chừng mong manh nhưng bao la rộng lớn hơn cả tình cảm của tôi và em.

Để rồi cố tình đánh rơi từng mảng quá khứ, cố tình bỏ quên lối nhỏ nơi em chờ tôi, cố tình giết chết bóng dáng nhỏ bé ấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy.

***

Cuối cùng ước vọng của tôi cũng trở thành hiện thực, tôi đã trở thành linh mục. Nhưng có lẽ hình ảnh của em sẽ không bao nhờ xóa nhòa trong ký ức của tôi. Để rồi như chiều nay, chỉ một chút se lạnh, một chút mưa phùng phảng phất, một chút gió cũng đủ mang hình ảnh em trở về. Làm sóng sánh nụ cưới, xốn xang lồng ngực. Chợt như nghe tiếng thì thầm của em bên tai. Chợt như sống lại thủa mới yêu. Nồng nàn nhưng da diết, rồi xa mãi, xa mãi.

Chúng tôi lạc mất nhau giữa những giấc mơ còn dang dở, giữa những hoài bão cao siêu mà cả hai nghĩ rằng chúng còn quan trọng và vĩ đại hơn tình yêu nhỏ bé của chúng tôi.

***

Nhiều người hỏi rằng cha có bao giờ yêu chưa? Tôi trả lời không những yêu mà còn yêu nhiều, yêu tha thiết, yêu nồng cháy, đã yêu, đang yêu và mãi yêu. Đã mang trong mình con tim của phận người, ai mà chẳng biết yêu. Bởi trời ban trái tim, để yêu, yêu mãi không bao giờ ngừng.  Vì tim sẽ đứng khi yêu chẳng còn. Ôi trái tim chỉ biết yêu người!

***

Nhưng có lẽ tình yêu của tôi hay của bất kỳ thằng đàn ông nào đã lỡ bị đánh động bởi thứ tình yêu mang tên Giê-su đều mau chóng nhận ra rằng tình yêu đó không thể giới hạn nơi bất kỳ một bóng dáng nào nữa.

Vẫn biết là thế, và cho dầu quyết tâm khấn hứa dành trọn tâm hồn và thân xác này cho một mình Thiên Chúa, nhưng tôi vẫn chỉ là con người, vẫn muốn yêu và được yêu, vẫn có những thổn thức của con tim…

***

Thế nhưng càng đắm mình trong Chúa, nhất là để linh hồn và thân xác mình chìm ngập trong Thánh Thể Chúa, tôi càng nhận ra rằng, không có thứ tình yêu trần thế nào có thể khỏa lấp được lòng tham của con người, không có thứ tình yêu đôi lứa nào có thể đưa tôi đến được bến bờ của hạnh phúc…, ngoại trừ tình yêu của Chúa Giê-su nơi Bí Tích Thánh Thể.

***

Thế nên, chiều nay bỗng nhớ đến em. Nhưng dường như tôi quên mất bóng dáng em rồi, quên mất gương mặt và ánh mắt em rồi…, quên rồi cảm xúc lâng lâng khi kề cận bên em, quên rồi quá khứ của tình yêu ban đầu…

***

Em ra đi mãi thật rồi, hòa vào dòng người, lẫn vào tất cả các khuôn mặt, nhập nhòa trong nhiều bòng dáng. Để rồi mỗi khi thi hành mục vụ, tiếp xúc với bất cứ ai, già hay trẻ, trai hay gái…tôi luôn nhận ra đó chính là em. Để rồi lao tới, ôm lấy những khổ đau buồn vui của muôn người. Để rồi con tim này hòa với con tim của Giê-su. Để rồi cứ mãi thổn thức. Để rồi con tim ấy dường như không còn đập cho chính mình nữa mà cho bất kỳ một ai mà Chúa đã gửi đến cho tôi.

***

Cám ơn em, vì đã cho tôi biết thế nào yêu và được yêu. Khởi đi từ tình yêu của em và chỉ dành cho em mà tôi đã học được thế nào là tình yêu đích thực. Một thứ tình yêu không giới hạn ở hai người nhưng mở ra cho muôn người.

Vì thế, chiều nay bỗng nhớ em, nhưng…
Dẫu có nuối tiếc cũng đã xa nhau,
Nên cầu mong đời nhau sẽ được bình an,
Dù vẫn nhớ thương nhau, vẫn ngóng trông nhau suốt đời.
Dẫu có nhức nhối rét mướt con tim nhưng đời ta tựa như chiếc lá mà thôi.

Đời đưa ta nổi trôi, định mệnh không đổi thay em hỡi!

Lm. Mar Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

TÙY BÚT ĐIỀU ƯỚC CỦA CON!


TÙY BÚT

ĐIỀU ƯỚC CỦA CON!

Hiếm lắm mới thấy ba cười. Chẳng phải vì ba không biết cười cho bằng nỗi lo, tình thương dành cho những đứa con dường như đã mang đi nụ cười của ba.

***

“Sống tuổi đời trong ngoài bảy chục
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn là gian lao khốn khổ…” (Tv 90, 10)

Có lẽ lời Thánh vịnh được viết từ ngàn đời như tiên báo cuộc đời của ba. Phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ. Bao nhiêu nỗi cực khổ hằn sâu lên khuôn mặt chai sạm của ba. Nỗi cơ cực và lo toan vì con cái cũng khiến ba trở thành một người nghiêm khắc và hay la rầy chúng tôi. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà tôi chưa bao giờ dám nói chuyện gì với ba. Tôi còn nhớ, ngày đi tu, buộc phải có chữ ký của cha mẹ, tôi không dám nói với ba nên đã lén giả mạo ký tên thay cho ba. Rồi mọi thứ, từ học hành, tương lai, ước mơ cũng chưa một lần tôi tham khảo ý kiến của ba, chưa một lần tôi tâm sự với ba. Ngày tôi đi tu, nghe các em nói “ba giận quá, từ anh luôn rồi”, tôi cũng chẳng màng…chỉ mong sao thời gian qua thật mau để tôi có thể chứng minh cho ba thấy tôi chọn lựa đi tu là đúng.

***

Có lần tôi hỏi ba về chuyện ngày xưa, chuyện thời trai trẻ của ba…ba cười, rồi nói…khi nào con rảnh con về đây, ngủ với ba một đêm, ba sẽ kể con nghe…Tự hỏi lòng, đã bao lâu rồi tôi không ngủ với ba, không được gác đầu lên tay ba, không được ba mân mê đôi bàn tay và bàn chân bé nhỏ…đã bao lâu rồi tôi không ngủ ở nhà, dù chỉ là một đêm…

***

Chịu chức phó tế chưa được bao lâu, tôi được tin ba đổ bệnh nặng, phải đi bệnh viện cấp cứu. Kết quả quá đỗi bất ngờ với cả gia đình tôi. Căn bệnh ung thư đã di căn qua nhiều bộ phận khác. Tất cả chỉ còn mong một phép lạ xảy ra.

***

Cả gia đình chúng tôi rơi vào trạng thái chơi vơi. Thế nhưng, trong cơn đau đớn tột cùng của bệnh tật, ba luôn là người khuyên nhủ anh em chúng tôi phải biết tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa. Dẫu biết là thế, nhưng trong tôi vẫn còn một nỗi sợ hãi. Sợ rằng ngày tôi chịu chức, chỉ còn một mình mẹ bước lên gian cung thánh trao áo Tân Linh Mục cho tôi. Sợ rằng, ngày tôi chịu chức, ba không còn bên cạnh để tôi có thể chứng minh cho ba rằng, tôi đi tu là đúng.

***

Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi và quý cha về nhà để dâng lễ giỗ cho ông. Đó không còn là ngày giỗ, nhưng là ngày họp mặt, ngày hạnh phúc của ba.

Ba đã cười, dù chỉ là nụ cười rất nhỏ…

Nụ cười nói lên tất cả, nụ cười của ba cho tôi biết ba đã rất hãnh diện về đứa con trai của ba, về những đứa con của ba. Dù tôi không ở nhà để có thể chăm lo cho ba, nhưng mỗi ngày, khi dâng Thánh lễ, trong mỗi giờ chầu tôi luôn dâng cả ba má cho Thiên Chúa…Với tôi đó mới là “chữ hiếu” trọn vẹn nhất!

***
Dẫu biết rằng “Thất thập cổ lai hy”. Dẫu biết rằng thân phận con người là sinh – lão – bệnh – tử. Dẫu biết rằng mình phải theo thánh ý Thiên Chúa. Nhưng nếu có được một điều ước, xin được ước rằng: Ngày con chịu chức, con vẫn còn có ba bên cạnh.

Lm. Mar -Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Tùy bút TÔI ĐI XƯNG TỘI





Tùy bút
TÔI ĐI XƯNG TỘI
-------------//--------------

Tôi vẫn thường hay đi xưng tội với cha linh hướng hằng tháng, tiện thể xin ngài cho một vài lời khuyên trong công việc mục vụ. Nhưng bữa nay tự dưng nổi hứng muốn trải nghiệm như một giáo dân bình thường, nên quyết định đi xưng tội chung với cộng đoàn giáo dân.

Vì là vào những ngày cuối Mùa Vọng, khi đến nơi xưng tội mới hơn 9g sáng, nhưng đã có 6 hàng dọc xếp sẵn chờ ở tòa giải tội, mà chỉ có một cha giải tội mà thôi. Mọi người lần lượt vào xưng tội trong im lặng. Cha giải tội khá nhanh, một người chưa tới vài phút. Lặng lẽ, tôi vào xếp hàng.

Gần tới phiên tôi, thì bỗng có một phụ nữ bước vào xưng trước. Chuyện chẳng có gì để nói nếu chị cũng xưng như bao người trước đó. Như chị lại xưng rất to tiếng và khá lâu, lại còn khóc thì phải. Không khí im lặng bắt đầu trở nên ồn ảo bởi những tiếng thở dài ngao ngán. Và sự kiên nhẫn cũng có hạn, một người trong đám đông lên tiếng: “Xưng gì mà lâu thế, sốt cả ruột!”; người khác được dịp thêm vào: “chắc tội nhiều lắm đây!”; giọng một người đàn ông tiếp lời:“xưng tội thì người ta xưng vắn tắt thôi, xưng dài dòng mất thời giờ quá đi!”.

Cuối cùng người phụ nữ cũng xưng xong. Đám đông thở phào nhẹ nhõm. Một người lên tiếng có vẻ khinh thường:“Nhẹ cả người! Mới nãy vô thấy đi lom khom vì tội nhiều giờ đi thẳng người.”

Sự việc tưởng chừng kết thúc ở đó, nhưng chị ta vừa xưng tội xong thì cha giải tội đưa tấm bảng lên với dòng chữ: TẠM NGHỈ 15 PHÚT!

Đám đông tiếp tục ồn ào, thở dài thườn thượt  và lại có một người lên tiếng:“Cũng tại con mẹ đó xưng lâu!”. Rồi không ai bảo ai, mỗi người lấy điện thoại ra và lướt mạng, xem tin tức…

Tôi chợt nghĩ, nhiều người xưng rất nhiều tội, nhưng có lẽ một cái tội gây ra hậu quả nặng nề, có khi giết chết người khác, mà người ta lại ít khi nghĩ đó là tội, ít khi nào xưng. Đó là tội xét đoán.

Vâng! Biết người phụ nữ ấy như thế nào? Đang có nỗi niềm gì? Đang phải trải qua những nỗi khổ đâu, dày vò tâm hồn ra sao? Chỉ có cha giải tội và chị ấy biết. Vậy mà người ta, dù cũng mang thân phận tội nhân, dù rằng vẫn đứng xếp hàng để xin ơn tha thứ, lại lên án một người khác vô tội vạ đến như thế. Đã từng ngồi tòa giải tội, tôi biết rằng, đôi khi một vài phút là quá ngắn để có thể an ủi một linh hồn đang chết dần chết mòn vì tội và lỗi lầm của mình. Vì thế, xin đừng xét đoán người khác, vì chỉ có một Đấng mới có quyền xét đoán. Đấng ấy là chính Thiên Chúa.

Không biết mọi người thế nào, chứ tôi sợ nhất và hồi hộp nhất là đi xưng tội.

Dù rằng vẫn luôn ý thức rằng Chúa nhân lành vô cùng, dù tội nhỏ to gì cũng được tha hết, miễn là mình xét mình kỹ lưỡng và ăn năn dốc lòng chừa. Thế nhưng, khổ nỗi, đã ngại muốn chết vì phải xưng những tội tế nhị, vậy mà nhiều cha lại còn hét toáng lên như thể trời long đất lở. Những lúc như thế, vừa quê tái mặt, vừa giận tím tai…Tự hứa với lòng, sau này làm cha sẽ không bao giờ to tiếng với tội nhân.


Sau khi trở thành linh mục, tôi rất thông cảm với các cha ngồi tòa giải tội, nhiều lúc rất mệt mỏi, có khi bực mình cáu gắt vì nhiều người chẳng xưng tội mình mà cứ kể tội người khác, hoặc phạm những tội rất nặng mà lương tâm chai lỳ chẳng chút lay động, lại còn tìm cách biện minh chống chế cho những sai trái tội lỗi của mình…

Bằng lòng là các cha không nên to tiếng với hối nhân, nhưng nói đi cũng phải nói lại, liệu rằng nhiều người có XÉT MÌNH CẨN THẬN, DỐC LÒNG ĂN NĂN TỘI, và QUYẾT TÂM CHỪA TỘI trước khi bước vào tòa xưng tội hay chưa? Hay chỉ xưng tội qua loa, tội gì con cũng phạm khi ít khi nhiều; hay xưng tội cho an lòng, cho đúng luật buộc?

Để rồi, rời khỏi tòa giải tội vẫn chứng nào tật ấy. Để rồi vô tình, việc xưng tội không giúp chúng ta thay đổi mà còn là cớ để chúng ta chai lì trong tội. Để rồi, dù trong thân phận tội nhân đang xếp hàng để xin ơn tha thứ, mà vẫn không nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa lại chỉ trỏ, to nhỏ đoán xét người khác…


Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS


Tùy bút CHIẾC ÁO DÒNG


Tùy bút

CHIẾC ÁO DÒNG
---//---

Còn nhớ những ngày đầu mới tập tu, tôi với một anh em đi chợ mua vải may quần áo để vào Dòng. Cô chủ tiệm vải vừa sau một hồi nói chuyện qua lại, mạnh dạn hỏi chúng tôi:
-        Nhìn giống mấy thầy quá, có phải mấy thầy tập tu không?
-        Dạ! mà sao cô biết? - Hai chúng tôi nhìn nhau, rồi ấp úng.
-        Nhìn mấy thầy là biết liền à…
Dĩ nhiên, sau khi xác nhận là thầy tập tu, chúng tôi được giảm giá cách đặc biệt mà không cần phải mặc cả.

Ngày đó, khi mới tu, sao tôi ao ước được mặc Áo Dòng, nhìn nó thật đẹp. Mặc Áo Dòng vào nhìn thánh thiện hẳn ra. Vậy mới ra thầy chứ! Rồi chợt nghĩ: “Giá mà Giáo hội cho phép được mặc Áo Dòng suốt cả ngày như ngày xưa thì hay nhỉ. Vì nhìn cái áo thì ai cũng biết mình là thầy, biết mình là tu sĩ.”

Ấy vậy mà, từ trước đến giờ, có bao giờ tôi mặc Áo Dòng ra đường đâu mà vẫn bị người ta phát hiện ra là thầy tu. Rồi có lần, và nhiều lần như thế, tôi cố tình ăn mặc thật mô đen để xem người ta có nhận ra mình là thầy hay không. Cũng bị phát hiện.
Hỏi mới biết, nhiều người nói rằng nhìn mặt mấy người đi tu biết liền, thì nó khờ khờ…Tôi nghĩ bụng: “Nhìn mặt ngu ngu thì có”…Rồi tự cười với mình.

Bữa nay có dịp đi từ Hà Nội về Sài Gòn, tôi đang xếp hàng để vào cửa hải quan, thì nghe ồn ào phía sau. Tiếng ai đó chào thầy. Bất chợt tôi quay lại. Thì ra người ta chào một thầy, nhưng không phải thầy Dòng mà là thầy Chùa. Nhìn là biết thầy, bởi thầy mặc tu phục áo chùm nâu vàng. Cùng đi với thầy là hai người khác, cũng mặc áo vải nâu. Nhiều người to nhỏ:
-        Thầy trễ giờ thì cứ vô trước.
-        Trời ơi, 4g bay mà bây giờ 4g kém 15 rồi. – giọng một người khác thêm vào.
Nghe thấy thế, thầy và hai người còn lại chui qua hàng rào trước sự ngỡ ngàng của bao người xếp hàng khác. Tôi cũng không thấy khó chịu vì dù sao cũng ưu tiên vì thầy đã trễ giờ. Tôi nghĩ mọi người cũng thế. Thông cảm và ưu tiên cho thầy.

Vì người xếp hàng thì đông, mà thầy lại mang vác ba lô tay xách nách mang nặng nề, nên khi chui qua mấy cái dây hàng rào vướng vào ba lô vô tình làm đứt dây, đổ luôn cái cột. Mọi người né qua một bên để thầy lên trước. Cuối cùng thầy và hai người còn lại cũng đến được trước mặt nhân viên hải quan.
Cô nhân viên hải quan trợn trừng mắt nhìn thầy và hai người tùy tùng, thật bất ngờ cô nói thẳng thừng và đuổi ba người xuống.
-        Xuống dưới! Có biết xếp hành không vậy. Ai cũng phải xếp hàng mà. Trễ giờ thì ráng chịu, người ta đã thông báo đúng giờ. Lui xuống, xếp hàng đi…Giọng cô nhân viên hải quan không chút cảm xúc.
Ba người lủi thủi quay về vạch xuất phát trước những ánh mắt ái ngại của biết bao người.

Tôi quan sát sự việc từ đầu đến cuối. Và cảm thầy quê dùm cho thầy. Thấy tội thầy làm sao đó.

Bỗng dưng tôi tự nghĩ: Ừ ha, hên là mình không mặc Áo Dòng. Mình mà mặc Áo Dòng mà bị như vậy chắc quê mà chết mất…
Rồi cười thầm…Làm gì có người quê mà chết bao giờ!

Bỗng thấy chiếc Áo Dòng đẹp hơn bao giờ hết. Nó không phải là trang phục như những quần áo khác. Nó không thể được mặc để đến những nơi công cộng. Khoác lấy Áo Dòng là khoác lấy Đức Ki-tô. Trang trọng vậy đấy! Thế nên làm sao mình lại có thể mặc nó đến những chỗ không xứng hợp cho được?
Tôi nghĩ thế, rồi tự tin kéo va ly qua cổng hải quan…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
(P/s: Bài viết chỉ là một cảm xúc cá nhân trước một sự kiện, không có ý nói xấu hoặc lên án cá nhân hay tập thể nào.)