Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Truyện ngắn BA CHỊ EM

Truyện ngắn

BA CHỊ EM

      
Ba chị em nó hay chơi chung với nhau, không phải nhà có ba chị em mà tại vì ba đứa nó là ba đứa nhỏ nhất nhà. Còn nhớ ngày đó, ba chị em hay leo lên cây sung bên bờ hồ để làm nhà, mang theo cả mùng mền giăng lên như kiểu những bộ tộc lạc hậu sống xa lơ xa lắc trong rừng. Hoặc nhiều khi chúng nó lại bày trò chơi biểu diễn thời trang. Nó vẫn nhớ chị Tý thì lấy cái quần đen của má xỏ hai tay vào ống quần làm công chúa. Con Mèo thì lấy áo ba khoác lên người làm hoàng tử. Còn nó, con trai lại thích mặc váy, lấy cái mền quấn quanh người làm váy. Đang đi, cố tỏ ra vẻ ỏng ẹo rồi bất chợt hứng chí nó đá mạnh một phát, cái chân này đá lên thì kéo theo cả cái còn lại, té nhào, đập đầu xuống đất kêu cái cốp. Ôm đầu khóc, chị Tý và con Mèo cũng lại xoa xoa, nói nín đi. Thế là nín, rồi lại bày trò khác chơi. Cũng có khi trưa nắng cả ba chị em trốn ngủ đi chơi. Nhiều lần bị mấy bà chị lớn hơn cho ăn đòn. Nhưng cả ba chúng nó chứng nào tật đó. Ăn cơm trưa xong là rủ nhau đi chơi. Hôm đó chúng nó làm bộ ngủ, xong cố tình lấy tay dụi mắt cho thật đỏ làm như mới ngủ dậy, rồi nhón nhén trốn ra sau hè đi chơi. Bữa đó, chị Tý đề nghị ra ao cá Ông Củ sau nhà chơi bán đồ hàng. Con Mèo thì bán bún riêu. Chị Tý thì bán bánh chiên. Còn thằng Tửng thì bán bánh mì. Sự việc sẽ êm xuôi nếu như hôm đó không có chuyện xảy ra. Số là chị Tý cúi xuống ao múc nước để làm bánh, con Mèo thấy thế cũng với xuống theo em cũng múc nước nấu bún, bất thần nó cắm đầu xuống nước chìm nghỉm. Chị Tý sợ quá, hoảng loạn la lên oai oái: “Mèo ơi giơ tay lên chị cứu!”. Không biết con Mèo có nghe không mà thằng Tửng thấy bàn tay nhỏ xíu của con Mèo ngoi lên mặt nước. Chị Tý kéo tay nó lên, rồi bảo nó: “Tửng kéo phụ chị!” Thằng Tửng luýnh quýnh không biết thế nào, kéo áo chị, khiến hàng nút đứt chỉ rách tung cái áo. Thế là con Mèo được cứu. Ba chị em hớt hải dắt nhau về nhà báo tin cho má. Nhìn con Mèo ướt như chuột lột, bụng to chà bá vì uống nước, hai mắt đỏ ngầu, má nổi máu điên quất cho chị Tý mấy roi. Và đó là lần đầu tiên má đánh chị. Còn nó, hehe, vì là con trai một, nên nghiễm nhiên được miễn tội.

***

        Vậy đấy, tuổi thơ của chúng nó lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Vui chơi mỗi ngày. Nhưng đến một ngày, ngày chúng nó lớn và bắt đầu biết chuyện, hiểu chuyện, cũng là lúc chúng nó hết vui hết cười. Lúc chúng nó hiểu chuyện, biết chuyện thì cũng là lúc nó nhận ra sự cực khổ quá đỗi đè nặng lên vai má. Ba nó khi đó đi làm riết, mà chỉ về lấy tiền má rồi lại đi. Bán đất đai rồi lại đi. Vơ vét hết của cải trong nhà rồi lại đi…Thì ba đi làm ăn mà con. Má nó thường nói vậy. Các chị nó lần lượt theo chồng. Trong trí óc của thằng Tửng lúc đó cứ nghĩ các chị đến tuổi lấy chồng thì lấy. Chứ ai dám nghĩ rằng vì sợ cảnh gia đình nghèo khổ đè nặng mà lấy chồng để có cái cớ mà thoát khỏi cảnh nghèo.

***

        Thời may khi ấy có bà dì ruột ở bên Mỹ về Việt Nam chơi, thấy gia đình nó túng thiếu, dì gợi ý sẽ giúp gia đình thoát nghèo bằng cách làm đám cưới giả cho một đứa, đặng sau này qua bển làm ăn rồi gửi tiền về nuôi ba má và các em. Chị Tý trúng tuyển. Ba bắt chị làm giấy tờ giả để làm đám cưới. Chị Tý không chịu, phản bác lại, bởi đơn giản chị đã có người yêu. Anh chị yêu nhau từ khi còn học cấp ba. Sau khi khuyên chị lấy chồng ngoại bằng những lời êm ái chị không nghe, ba dùng đến biện pháp mạnh. Nó còn nhớ như in hôm đó, vừa đi học về, nghe ba chửi chị sang sảng: “Cái đồ ngu như bò, ngu như con bò!”  Mà mãi sau này lớn lên nó vẫn hy vọng ba không cố ý la rày chị như thế. Và cố nghĩ tích cực rằng chắc ba cũng vì muốn chị em nó có tương lai tươi sáng mà thôi. Nhưng có lẽ câu chửi này của ba, dù vô tình hay cố ý cũng gậy ra một vết thương nơi tâm hồn, mà chị phải mang nó đến suốt cuộc đời.
      
***

Ngày đám cưới chị, mà chỉ là đám cưới giả thôi, nhưng phải làm mọi thứ như thật, chỉ trừ lên nhà thờ. Chị phải đóng kịch làm cô dâu thật hạnh phúc bên cạnh chú rể người Tây cao như cây cột. Anh thợ chụp ảnh ra vẻ chuyên nghiệp yêu cầu cô dâu chú rể hôn nhau một cái. Chị choàng vào cổ thằng Tây hôn lên môi. Biết đâu đó là nụ hôn đầu đời của chị? Thằng Tửng nghĩ thế. Vậy thì xót xa quá.
        Đám cưới xong một tháng, hai tháng, rồi một năm,… thằng Tây nhận tiền của bà dì xong chuồn mất. Bỏ lại chị nó bơ vơ, lạc lõng. Hên quá, chỉ là đám cưới giả thôi. Chứ nếu thật thì dang dở đời con gái rồi.

***

        Thế nhưng thua keo này mình bày keo khác. Bà dì lại với điệp khúc sẽ lo cho anh chị một đứa qua Mỹ, đặng sau này giúp ba má. Sảy con chị, đến lượt con em. Con Mèo nghiễm nhiên được chọn lựa. Nhưng nó nói tại sao cứ phải làm kết hôn, sao mình không làm kiểu du học sinh. Và nó đã thành công. Sau khi tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ, nó có cả một tương lai nhưng vì không dám làm cho ba má buồn, nó đành gác lại tương lai để đi theo kế hoạch xem ra rất dễ ăn, và tươi sáng mà bà dì bày vẽ ra. Người ta làm giả các loại giấy tờ. Nào ba có trại heo lớn nhất vùng Biên Hòa trong khi ở nhà ba chỉ nuôi mỗi một con heo mọi ốm nhắt. Nào là má làm chủ tiệm vàng, trong khi mấy chục năm nay má  phải oành lưng vì phải gánh bún riêu đi bán dạo. Nghe có vẻ tức cười. Vậy mà nó đậu phỏng vấn. Nó đậu thiệt. Sáng hôm đi phỏng vấn cả trăm người mà có một mình con Mèo đậu. Biết kết quả, nó khóc ròng. Khóc một phần vì quá vui, nhưng cũng một phần trong người không có đến 50.000 VNĐ để làm Visa. Mấy người đi phỏng vấn chung biết chuyện nên động lòng trắc ẩn, cho nó tiền. Cầm tiền mà nó khóc miết. Còn nhớ khi đó, thằng Tửng đang tu tập, con Mèo gọi điện lên nhà Dòng, tính giả bộ nói là em rớt rồi. Để nghe thằng Tửng phán như thánh thấy chưa anh nói mà, đi Mỹ đâu phải dễ, làm giấy tờ giả như thế ai mà tin. Nhưng con Mèo vừa nói: “em rớt…em đậu… rồi anh Tửng ơi!” Rồi nó khóc như ai đánh vậy. Nó vui quá, không giả bộ để lừa thằng Tửng được như khi tụi tôi còn nhỏ.

***

        Thằng Tửng, thằng con trai duy nhất trong gia đình đông con. Nó là đứa duy nhất mà khi má mang bầu toàn thèm ăn đồ ngon, đồ ngọt, thay vì đồ chua, đồ cay như khi mang bầu các bà chị nó và con Mèo. Thằng Tửng cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Cũng bị ba đánh đòn vì không chịu học, bị các chị la rày vì trời trưa không ngủ đội nắng đi chơi. Nhưng cũng như các chị, lúc nó bắt đầu hiểu chuyện thì cũng là lúc nó nhận ra ba mẹ cãi nhau như cơm bữa. Gia đình túng thiếu trăm bề, nợ nần chồng chất. Tuổi thơ nó sợ nhất là những ngày giáp tết. Bởi từ khi biết ý thức thì cũng là lúc nó phát hiện ra cứ giáp tết là người ta đến đòi nợ. Hết cái để đòi, cuối cùng, cả cái nhà cũng ra đi. Chị em chúng nó và ba má bị quăng ra ngoài đường vào một ngày mà chủ nợ đã định sẵn. Tự nhiên lúc đấy, cái ý nghĩ đi hoang lại nảy ra trong đầu thằng Tửng. Nhưng bây giờ đi hoang thì không dám, thôi đi tu cho rồi. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong nó. Và thằng Tửng đi tu thật, chỉ vì một ý nghĩ thoáng qua, dù chỉ là bâng quơ.

***

        Rồi từ đấy ba chị em nó xa nhau. Chị Tý, chờ thằng Tây mãi không thấy quay lại thì cũng phải lấy chồng thôi, nếu không muốn chẳng thằng nào thèm rước. May thay người yêu cũ vẫn còn nặng tình, chấp nhận chị. Rồi cũng cưới hỏi, rồi cũng có con. Nhưng cái sĩ diện của một thằng đàn ông bị người ta cướp người yêu mình, phần vì tức ba vợ đã coi khinh mình nghèo nên lâu lâu lại lấy chuyện cũ ra giày xéo chị đến tan nát. Khi có bầu đứa  thứ hai, chồng chị kiếm cớ gây chuyện rồi xô xát xảy ra. Chị phải vào viện mổ gấp để lấy đứa con mới hơn bảy tháng. Suốt thời gian đó, chị nuôi con nằm trong lồng kính, mà không một người giúp đỡ, không một đồng trong người. Chồng thì hờ hững, chơ vơ. Thời may, thằng con khỏe lại, rồi xuất viện về nhà, nhưng vì sanh non nên nó có một cục bướu thật to, che hết một phần gương mặt. Mỗi khi nhìn con không lành lặn, chị vừa giận chồng, vừa thương con. Chỉ còn biết cầu nguyện với Đức Mẹ. Rồi khóc! Vậy thôi.

***

        Con Mèo, vừa qua Mỹ được vài tháng, không có tiền đóng học buộc nó phải đi làm nail. Bà dì khi thấy cháu qua đến đất Mỹ, sợ cháu không trả tiền cò cho mình nên ngày đêm đòi lại. Một thân một mình trên vùng đất xa lạ không biết phải sống thế nào, con Mèo rơi vào những tháng ngày cùng quẫn. Nhà trường thì buộc đóng học phí. Mà nếu không đóng học thì nó sẽ trục xuất về Việt Nam. Thời may, nó làm nail, người dưng nước lã lại thấy thương, làm mai cho nó một người. Thì cũng người Việt, mặt mũi cũng được, chỉ có điều hơn nó đến ba chục tuổi, béo phệ trong khi nó chưa đầy hai hai. Ở nhà ba má đã bán đất lo làm hồ sơ cho nó. Rồi hôm nó đi, ba làm bữa tiệc thật thịnh soạn mời hết bạn bè chí cốt đến chia vui, tiễn chân con gái đi Mỹ. Ba hãnh diện lắm! Thế nên bây giờ nó không nên về, vì sợ ba mất thể diện. Không thể về vì về làm sao mà trả nợ cho dì. Không được về vì đã leo lên lưng cọp rồi. Thế nên người ta hỏi nó làm vợ, nó gật đầu cái rụp, rồi khóc. Về ở với người mà nó gọi bằng chồng, đêm đêm nó ngủ như đang ôm phải một mớ thịt bùng nhùng không phân biệt được bộ phận nào là tay, bộ phận nào là chân. Rờ lên mặt mình, mặt ướt mèm vì nước mắt từ hồi nào rồi. Nhiều khi nó tự hỏi, cái giá để được ở lại Mỹ lại quá đắt vậy sao. Nó phải trả bằng cả một đời con gái.

***

        Rồi thời gian trôi, cả ba chị em chưa khi nào ngồi lại với nhau, dù chỉ một lần. Mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một nỗi niềm, mỗi đứa một hoàn cảnh, mà cả ba dường như cùng mặc định chung với nhau đừng bao giờ kể cho ba má nghe. Sợ biết chuyện, ba má sẽ buồn lắm, hối hận lắm, đau khổ lắm... Chúng nó bỏ quên nhau để thời gian trôi tuột. Nhiều khi thằng Tửng không biết có còn nhớ mình có một bà chị và một đứa em mà khi xưa mà sáng sáng lại rủ nhau chơi nhảy lò cò, chơi ăn ô quan, tối tối lại chơi năm mười chùm mền,…Nó nghĩ chị Tý và con Mèo cũng vậy thôi.

***

Rồi cũng đến ngày thằng Tửng được chịu chức. Cả nhà ai cũng vui. Mà vui hơn nữa là con Mèo bên Mỹ cũng về. Bữa về nhà, Chị Tý nhét vào tay thằng Tửng nói nhỏ, chị chỉ có nhiêu đây cho em, rồi quay đi như cố né tránh ánh mắt của nó. Hôm sau chị gửi cho thằng Tửng lá thư đầy nước mắt, chị cảm thấy hổ thẹn vì không giúp gì được cho em bao lâu nay…dường như cuộc sống quá cực khổ, chị quên em mất rồi…Con Mèo gọi điện về nói anh Tửng muốn gì em mua…

***

Ngày thằng Tửng được chịu chức linh mục, gia đình ai cũng hạnh phúc, mỗi anh chị cho nó một ít tiền lo Lễ Tạ Ơn, nhưng tiền của con Mèo và chị Tý nó vẫn giữ nguyên đây, không dám sài, bởi nó làm cho thằng Tửng nhớ đến một thời tuổi thơ của ba chị em thường lấy lá mít làm tiền,...Chị Tý và con Mèo còn nợ nó nên bây giờ trả lại. Tiền lá mít làm sao mà sài được! Mà nếu sài được thì  tiền đó là tất cả tình cảm của chị Tý và con Mèo dành cho nó, sợ sài rồi, tình cảm bay mất lấy gì mà níu lại.

Tý ơi…Mèo ơi…nhớ lắm tiếng gọi từ thủa bé…

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Truyện ngắn NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MẸ

Truyện ngắn

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MẸ

        Đang bán gà ngoài chợ, chị Hai Lệ được tin thằng Ân nhập viện trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh. Chị lật đật, chạy về nhà rồi đi thẳng đến bệnh viện mà trong lòng nóng như lửa đốt. Vừa đến cửa phòng cấp cứu, bác sĩ đã trực sẵn, với lời dặn dò: “Chị về chuẩn bị hậu sự cho cháu là vừa. Nước đã tràn vào phổi quá nhiều. Hiện tại cháu đã hôn mê và chúng tôi đang nỗ lực cấp cứu cho cháu. Nhưng không hy vọng là mấy.” Vừa nghe đến đó chị choáng váng mất thăng bằng, rồi khụy xuống đất mà ôm mặt khóc.

***

Không biết từ bao giờ mà người ta gọi chị bằng cái biệt danh chị Hai Lệ. Thật ra chị tên thật là Nguyễn Thị Bé Hai, nhưng vì lúc nào người ta cũng chỉ thấy chị buồn và hay khóc, nên mấy bà bán hàng chung ở chợ đặt cho chị biệt danh Hai Lệ. Nghe vậy chị cũng chẳng màng. Bởi thật ra cuộc đời chị gắn liền với chữ lệ. Chị khóc nhiều hơn cười, buồn nhiều hơn vui. Mấy bà bạn hàng bán chung dường như chưa bao giờ thấy chị cười. Họ hay nói với nhau: “Con Hai Lệ cứ đưa cái mặt buồn như đưa đám ấy mà bán hàng ai mà mua.” Ấy vậy mà chị lại có duyên buôn bán. Lúc nào chị cũng bán đắt hơn người khác, nhiều khi mới hơn 7 giờ sáng chị đã bán sạch trơn. Mấy bà bạn hàng ghen tị nói bóng nói gió: “Ê có khi nào nó bỏ bùa vô hàng không mày? Chứ tao thấy gà nó bán có hơn gà của tao đâu. Mà biết sao được bà ơi, nhiều khi Chúa lấy cái này, Chúa cho cái khác. Mấy bà tặc lưỡi rồi lái qua chuyện khác...”

***

        Thì Chúa cho cái này mà lấy cái khác, nhưng có lẽ cái Chúa lấy đi của chị quá nhiều đó là nước mắt. Từ thời còn con gái, chị phải tần tảo lo cho cha mẹ và các em. Đến tuổi lấy chồng, chị quen và yêu một người ngoại đạo. Gia đình ai cũng cản ngăn. Đã vậy, anh là con nhà Đạo Phật, lại là cháu đích tôn nên ba má anh không cho theo đạo. Gia đình chị lại ra điều kiện, nếu không theo đạo thì không cưới hỏi gì hết. Chị khóc hết nước mắt, cuối cùng anh cũng chịu làm phép chuẩn với điều kiện con cái sinh ra sẽ được rửa tội. Thế nhưng, về sống với anh đã hơn ba năm mà chị vẫn chưa có con. Mẹ chồng có ý muốn anh bỏ chị để có cháu nối dõi. Chị lại khóc. Mà cũng chẳng biết làm gì ngoài khóc. Nghe nói ông thánh Giu-se ở ngã tư Bảy Hiền linh lắm nên chị đến đó xin khấn. Thời may, chị có thai, rồi sinh được thằng con. Để tạ ơn Chúa, chị đặt cho nó tên Trần Hồng Ân. Thằng nhỏ sinh ra được ông bà nội nuông chiều hết sức. 

***

        Sinh con được vài tháng, chị và chồng phải gửi con cho ông bà nội mà lên Sài gòn tìm kế sinh nhai. Cuộc sống dưới quê, hai vợ chồng làm không đủ ăn, đủ mặc. Hơn nữa chồng chị mắc chứng bệnh viêm gan siêu vi B, sức khỏe kém, đi làm được vài ngày phải nghỉ vì sức khỏe không đảm bảo. Bữa chị khuyên chồng thôi vợ chồng mình làm liều, lên Sài Gòn lập nghiệp, đặng sau này có ít vốn nuôi con ăn học. Thế là hai vợ chồng ra đi để đứa nhỏ lại cho ông bà nội nuôi.

***

        Thằng Ân ở với ông bà nội, đạo Phật, nên chẳng biết Chúa, Mẹ là ai, lâu lâu lại theo nội đi cúng chùa. Vài ba tháng ba mẹ cũng về thăm một lần, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ với một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Học hết lớp 5, nó nghe theo chúng bạn trốn học đi bụi đời. Bà nội đi tìm, mang về nhà, được vài ba bữa nó lại đi.
        Chị Hai Lệ và chồng rất lo cho con nhưng vì ở xa, lại bận bịu công việc nên không biết phải như thế nào. Túng thế quá, mà cũng không muốn con lêu lổng hư người nên anh chị rước nó lên Sài Gòn ở cùng với anh chị. Thế nhưng, anh chị không ngờ việc đưa con lên Sài Gòn là một việc làm sai lầm mà sau này cả hai vợ chồng đều hối hận. Nó như cá gặp nước, thằng Ân mau chóng bị đám bụi đời trong khu nhà trọ lôi kéo. Chẳng mấy chốc nó trở thành một tay giang hồ có tiếng, chuyên đâm thuê chém mướn. Chị Hai Lệ bán gà ngoài chợ, nhiều khi cắt cổ gà còn ớn tay, thế nhưng thằng con của chị lại hoàn toàn khác mẹ, nó đâm người ta còn dễ hơn chị cắt cổ gà. Nó quen với máu, quen mùi máu người. Dường như nó nghiện mùi máu người.
        Nhiều khi đang bán hàng, chị bị công an mời lên phường để bảo lãnh cho con, vì nó chưa đủ tuổi vị thành niên. Những lúc như thế chị chỉ biết khóc và cầu xin với Đức Mẹ ban ơn cho con của chị. Nhưng dường như Chúa với Đức Mẹ phớt lờ, hay bận bịu ban ơn ở đâu đó mà quên đi nỗi đau của chị.

***

        Khổ với con chưa đặng hay sao mà Chúa lại tiếp tục mang cái khổ khác đến cho chị. Chồng chị, vì sức khỏe kém, lại không thể làm ăn gì được nên đâm ra bực bội vì thua kém vợ. Cái sĩ diện của một thằng đàn ông chuyên ăn bám vợ đã khiến tính nết anh thay đổi nhanh chóng. Đạo nghĩa anh bỏ bê không nói, đàng này anh nhậu nhẹt liên miên, về nhà thì lấy cớ “con hư tại mẹ”, tìm cách đánh đập chị. Chị Hai Lệ chỉ còn biết khóc cho thân phận mình. Nhiều khi đi bán, mắt thâm tím vì đêm qua bị chồng đánh, nhưng chị cứ phải nói dối mấy bà ngoài chợ: “Lỡ chợt chân té mà!”. Rồi ngoảnh mặt cố né tránh ánh mắt dòm ngó nghi ngờ của người khác.

***

        Đêm đêm chị lại khóc. Khóc vì chồng. Khóc vì con. Khóc vì thân phận mình. Chỉ còn biết trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Suốt ngày, hễ ngơi ra người ta sẽ thấy chị lần hạt, miệng cứ lẩm bẩm. Tuy vậy, càng cầu nguyện nhiều, càng đọc kinh nhiều, thì dường như Chúa càng chơi trò chơi trốn tìm với chị. Với chị, chưa bao giờ nhờ đọc kinh mà chị được an lòng, được như lòng mong ước dù chỉ là không rơi lệ chỉ một ngày. Phép lạ Chúa có thể làm ở đâu đó, cho ai đó chứ với chị thì không bao giờ. Nhưng chị không còn cách nào khác ngoài việc kiên trì cầu nguyện.

***

        Rồi một buổi sáng, khi chị đang bán hàng thì thình lình thằng Ân xuất hiện trước mặt chị, với cái ba lô khoác trên vai.
-        Má con đi đây! Gọn lơ, không chút cảm xúc.
-        Mà con đi đâu? Chị như đứng hình chỉ còn kịp hỏi lại.
Nhưng câu hỏi của chị không được thằng Ân đáp ứng. Nó bỏ đi. Chị nghĩ thì nó cũng đã từng đi như vậy. Chỉ về nhà khi trên người đầy dẫy vết thương, tay chân bê bết máu. Được vài bữa, có khi vết thương chưa lành nó lại đi. Nhưng lần đi này chị có cảm giác khác lạ. Bởi những lần trước chưa bao giờ nó từ giã chị. Lần này nó lại chào chị, với ánh mắt đục mờ, không tương lại, không định hướng. Chị lại khóc, nước mắt ngắn dài. Chỉ còn lẩm bẩm như thói quen: “Mẹ ơi, cứu lấy con của con, thằng Ân, đứa con mà con cầu xin mãi mới sinh ra nó, xin Mẹ hãy cứu lấy con của con…” Chị khóc nghẹn ngào đến nỗi kinh Kính Mừng cũng đọc không ra, cứ nghẹn ngào, rồi nức nở…Mấy bà ngoài chợ chặc lưỡi: “Lại khóc, tao mà có thằng con như thằng Ân thà tao đẻ trứng rồi ăn còn sướng hơn. Thủa nào thằng con khốn nạn, không biết thương mẹ là gì…”

***

Đang lim dim nằm trên võng nghỉ trưa, tay cầm tràng hạt, bỗng chị nghe tiếng thằng Ân thủ thỉ bên tai:
-        Má! Con về rồi.
-        Tổ cha mà! Mấy năm nay con đi đâu? Nói chưa dứt câu chị đã khóc.
-        Dạ, con đi làm ăn, tính làm lại cuộc đời, bởi bấy lâu nay đã sống không đúng, làm cho ba má khổ. Nên con quyết định định thay đổi cuộc đời. Thời may con được các cha giúp đỡ. Các ngài lại tạo điều kiện cho con học nghề, rồi nhận con đi tu, trở thành tu sĩ. Nay con về, đặng làm giấy tờ, rồi xin chữ ký của ba má, chấp nhận cho con đi tu.

Nghe con nói mà chị không tin vào tai mình nữa. Đứa con chị tưởng đã mất, nhưng nay nó lại về. Nó về không những trở thành một con người khác, mà còn muốn theo Chúa sống đời dâng hiến. Chị ngơ khác, không hiểu thật hay mơ, hỏi lại:
-        Con nói sao? Con đi tu? Con làm lại cuộc đời? Rồi chị khóc òa lên.
Tiếng khóc của chị những tưởng như người ta mất mát một cái gì đó lớn lắm trong cuộc đời. Nhưng đây không phải là mất mát, mà là tìm lại được, gặp lại được, nhận lại được đứa con hoang đàng…

***

Thế rồi cũng đến ngày con chị được vào Nhà Tập, được mặc áo dòng đen. Chính tay chị may áo cho nó, rồi cũng chính chị mang áo lên cho con, mà nghẹn ngào sung sướng không thể tả nổi. Chị tạ ơn Chúa, vậy là Chúa và Mẹ đã nhận lời rồi. Vậy là Chúa và Mẹ chịu làm phép lạ trên cuộc đời khốn khổ của con rồi. Hai mẹ con ôm nhau ngay trên gian cung thánh mà khóc nức nở. Thằng Ân mặc cái áo dòng vào, nó cảm nhận cái áo được đan dệt bằng nước mắt của mẹ nó. Người mà nó đã làm cho khổ cực bao nhiêu lâu nay.

***

Vừa bước xuống khỏi gian cung thánh, bỗng chị thấy một đám người lạ mặt chạy đến vây kín, chỉ thẳng vào mặt hai mẹ con chị mà chửi: “Ối giờ ơi! Thằng mất dạy đó mà tu tác gì. Đồ cái quân đâm thuê chém mướn, đồ quân trộm cướp, che mắt các cha được chứ làm sao mà che mắt thiên hạ được…Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu. Mày tưởng mày mặc áo dòng vô thì đương nhiên là thầy tu hả. Trên người mày, mặt mũi mày đầy dẫy nào là thẹo chằng chịt, nào là vết xăm ngang dọc. Có chết cũng không rửa sạch tội lỗi của mày chứ đừng nói là đổi đời.” Rồi người ta bao vây lấy chị: “Đồ cái thứ đàn bà, phận làm vợ, làm mẹ mà không biết sống hòa thuận với chồng, không biết nuôi dạy con…giờ túng đường quá, mới gửi cho các cha, đặng được làm bà cố hả. Không có đâu, đừng có mơ…”
-        Không! Không! Không phải thế, con tôi đã ăn năn rồi, xin các người cho con tôi cơ hội làm lại cuộc đời.
-        Nhìn cái mặt là biết quân ăn cướp, đâm thuê chém mướn, nó mà tu tác nỗi gì.
-        Tôi xin các người, van các người hãy cho con tôi cơ hội làm lại cuộc đời…
Chị càng van xin, đoàn người càng ngày càng đông, chỉ chỏ, chửi rủa mẹ con chị, đoàn người mỗi ngày một đông…chị chỉ còn biết la lên: “Không! Tôi xin các người cho con tôi cơ hội sửa đổi. Không! Không!...”
-        Nè chị! Chị ơi! Chị mơ gì thế - tiếng cô y tá đánh thức chị Hai Lệ. Chị mơ gì mà vừa khóc vừa la thảm thiết thế. Chắc chăm con mấy ngày không ngủ nên mệt rồi. Thôi để tôi dìu chị lên giường nằm nghỉ.
-        Dạ! Được rồi cô y tá, làm phiền côị quá, tôi chỉ nằm mơ thôi.
Chị tỉnh giấc, bần thần người chưa hiểu giấc mơ có ý nghĩa gì.

***

        Những ngày thằng Ân nằm viện chồng chị vẫn sáng xỉn chiều say, chị phải nghỉ chợ ở luôn trong bệnh viện chăm cho thằng Ân. Nhiều khi chị ngồi bên giường con mà khóc ròng, tay thì cầm tràng hạt cầu nguyện cho con chị tai qua nạn khỏi. Bữa chị vừa nắm tay con, mắt nhắm rồi lẩm bẩm lần hạt, bỗng thấy tay thằng Ân động đậy. Chị mở mắt, ánh nhìn đầu tiên chị thấy con chị, thằng Ân, ánh mắt nó đã không còn mờ đục nữa, nó mấp máy môi: “Con đang ở đâu đây má?” Chị thấy con tỉnh lại thì vui mừng khôn tả, trả lời con: “Con bị chìm tàu khi đi chơi ở Biển Nha Trang, người ta cứu con được…con cứ nằm nghỉ đi…”. Rồi chị chạy vội đi gọi báo cho bác sĩ con chị đã tỉnh lại.
        Các bác sĩ cũng vô cùng ngạc nhiên về tình trạng của thằng Ân. Phần lớn cho rằng nó sẽ không qua khỏi, ấy vậy mà nó lại tỉnh lại. Bác sĩ cho rằng chỉ có phép lạ xảy ra thôi, chứ chúng tôi đã bó tay. Chị ôm thằng Ân vào lòng rồi vừa khóc vừa nói: “Con tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ Ma-ri-a đã nhận lời con…”
        Thằng Ân nhìn thẳng vào mắt mẹ rồi nói:
-        Má, con thấy con đi tu, con được làm một thầy tu. Con được mặc áo dòng đen đẹp lắm má. Áo dòng tay dài, che hết người con, che tất cả những thương tích trên người con…Con thấy má cười, con thấy má vui lắm.
Chị Hai Lệ cũng vô cùng ngạc nhiên với giấc mơ của con. Nó trùng khớp với giấc mơ của chị. Chị lại ôm nó vào lòng rồi nói:
-        Con tỉnh lại là má vui rồi. Chúa và Mẹ đã cứu con. Tạ ơn Chúa.
Thằng Ân nhìn thẳng vào mắt mẹ mà nói:
-        Má! Trong cơn hoảng loạn, con bỗng nghe tiếng má nó: “làm dấu Thánh giá đi con!” Thế là con làm dấu rồi chìm nghỉm…Khi tỉnh lại biết là mình đã được cứu. Chúa đã cứu con phải không má? Con hứa với má, từ nay con sẽ làm lại từ đầu. Ráng chí thú làm ăn, không giang hồ lêu lổng nữa…con xin lỗi má. À mà má, có khi nào Chúa gọi con đi tu không má. Sao con mơ thấy được làm thầy tu…
-        Ừ, sao cũng được, miễn là con sống tốt là má vui rồi.
-        Dạ, con hứa với má cho dù con đi tu hay sống ở đời thì cũng sẽ trở thành người lương thiện, để má không phải khóc nữa…
Hai mẹ con ôm nhau mà khóc, nước mắt ngắn dài. Bất chợt chồng chị xuất hiện. Anh không nói không rằng, tiến lại gần hai mẹ con, lấy tay ôm chầm lấy cả hai rồi thỏ thẻ:
-        Tất cả là lỗi tại anh đã không sống trọn trách nhiệm làm chồng làm cha của mình. Anh xin lỗi hai mẹ con…

***
        Cũng có câu chuyện nghe cứ như cổ tích giữa thời hiện đại này. Tin không? Nhưng tôi lại tin, bởi khi nhìn những vết xăm trên tay Ân, tôi thấy ở đó có cả một quá khứ đen tối, nhưng nhìn vào mắt em, tôi lại thấy cả một tương lai tươi sáng. Người xưa có câu: “Không có vị thánh nào mà không có quá khứ, cũng như không có tội nhân nào mà không có tương lai.” Ân còn cả một tương lại.
Em đến với tôi với ý muốn trở thành một tu sĩ của Chúa. Thật sự tôi cũng chỉ có thể giúp em trong khả năng của mình. Phần còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào em. Không biết, với kinh nghiệm đổ vỡ của mình, em có thể vượt qua những thử thách mà bất kì một ai muốn theo Giê-su buộc phải vượt qua hay không? Và liệu rằng người ta có thể chấp nhận cho một người có quá khứ đen tối đã được đóng dấu vào thân xác mình bằng những vết theo ngang dọc và những vết xăm chằng chịt. Liệu rằng…có tương lai nào cho một tội nhân không?
        Tuy vậy, những giọt nước mắt của người vợ, người mẹ, cả một đời vì chồng vì con, sẽ là cách thức cầu nguyện hữu hiệu nhất, và là bệ phóng cho bất kỳ một tương lai tương sáng nào. Cuối cùng, thế nào đi nữa, thì Chúa cũng sẽ nhận lời…Tôi xác tín như vậy. Bạn có tin thế không?


Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Tùy bút NỤ CƯỜI CỦA BA!

Tùy bút
NỤ CƯỜI CỦA BA!

Hiếm lắm mới thấy ba cười. Chẳng phải vì ba không biết cười cho bằng nỗi lo, tình thương dành cho mười một đứa con dường như đã mang đi nụ cười của ba.
 
***

“Sống tuổi đời trong ngoài bảy chục
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn là gian lao khốn khổ…” (Tv 90, 10)

Có lẽ lời Thánh vịnh được viết từ ngàn đời như tiên báo cuộc đời của ba. Phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ. Bao nhiêu nỗi cực khổ hằn sâu lên khuôn mặt chai sạm của ba. Nỗi cơ cực và lo toan vì con cái cũng khiến ba trở thành một người nghiêm khắc và hay la rầy chúng tôi. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà tôi chưa bao giờ dám nói chuyện gì với ba. Tôi còn nhớ, ngày đi tu, buộc phải có chữ ký của cha mẹ, tôi không dám nói với ba nên đã lén giả mạo ký tên thay cho ba. Rồi mọi thứ, từ học hành, tương lai, ước mơ cũng chưa một lần tôi tham khảo ý kiến của ba, chưa một lần tôi tâm sự với ba. Ngày tôi đi tu, nghe mấy chị nói “ba giận quá từ em luôn rồi”, tôi cũng chẳng có cảm xúc gì…chỉ mong sao thời gian qua thật mau để tôi có thể chứng minh cho ba thấy tôi chọn lựa đúng.

***

Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi chịu chức. Với tôi, đó không phải là ngày vui của mình, nhưng đó là hạnh phúc của ba. Ba đã cười, dù chỉ là nụ cười rất nhỏ…
Nụ cười nói lên tất cả, nụ cười của ba cho tôi biết ba đã rất hãnh diện về đứa con trai duy nhất của ba. Dù tôi không ở nhà để có thể chăm lo cho ba, để nối dõi tông đường…nhưng mỗi ngày, khi dâng Bánh và Rượu trên bàn thờ, tôi luôn dâng cả ba má cho Thiên Chúa…Với tôi đó mới là “chữ hiếu” trọn vẹn nhất!

***

Có lần tôi hỏi ba về chuyện ngày xưa, chuyện thời trai trẻ của ba…ba cười, rồi nói…khi nào con rảnh con về đây, ngủ với ba một đêm, ba sẽ kể con nghe…Tự hỏi lòng, đã bao lâu rồi tôi không ngủ với ba, không được gác đầu lên tay ba, không được ba mân mê đôi bàn tay và bàn chân bé nhỏ…đã bao lâu rồi tôi không ngủ ở nhà, dù chỉ là một đêm…

***


“Thất thập cổ lai hy” – Sinh nhật lần thứ 70 của ba, tôi không dám vui, không dám mừng vì tôi nghĩ đến ngày không còn ba để tiếp tục giận hờn và tìm cách lánh mặt như tôi đã từng làm từ tấm bé đến giờ… Nguyện xin Chúa Giê-su Thánh Thể luôn ở với ba ngay khi còn sống cũng như khi qua đời!

Lm. Mar -Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Tùy bút CHỢT NHỚ THẰNG BẠN THÂN!

Tùy bút
CHỢT NHỚ THẰNG BẠN THÂN!


Thời còn đi học, lắm ước mơ. Hắn và thằng bạn thân mơ sẽ làm một điều gì có ích cho đời.
Có hai chọn lựa: Một là đi tu theo Giê-su, để “hiến thân”. Hai là theo đảng, để “tiến thân”. Hắn khẳng định: Nếu không biết Chúa, có lẽ tao sẽ theo đảng, để làm cái gì đó cho nhân dân, dân tộc…Sao thấy đời mình ý nghĩa quá mày ha! Giờ lỡ đi tu rồi…hắn tặc lưỡi với thằng bạn thân.

***

Thằng bạn thân, cũng mơ giấc mộng dài dằng dặc như hắn. Để rồi sau bao ngày phấn đấu nó cũng được vào đảng.

***

Rồi đường ai nấy đi. Rồi hắn và thằng bạn chia tay nhau từ đấy. Rồi thời gian cứ trôi…

***

Những ngày này, nghe người ta lên án đảng đủng gì đó, với những luật lệ gì đó, với những bất công gì đó,… hắn chợt nhớ đến thằng bạn thân ngày nào…Giờ xa xôi, giờ mất hút…Có lẽ ngay cả mặt thằng bạn, chắc hắn cũng không nhận ra.

***


Tự hỏi lòng, nếu gặp lại nó, hắn sẽ hỏi: “Ê mày! mày có thấy ngày xưa mày chọn lựa đúng và hạnh phúc với ước mơ của mày hay không? Bởi tao thấy tao đang “tan nát” với ước mơ của tao, nhưng tao thực sự hạnh phúc. Tao đang rất hạnh phúc… Tao đang cần câu trả lời của mày!

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS